Thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Áp-ga-ni-xtan

Theo Tân Hoa xã và Roi-tơ, ngày 23-11, cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và lực lượng Ta-li-ban diễn ra ở thủ đô Đô-ha của Ca-ta đã đạt tiến triển, khi các nhà thương lượng của hai bên nhất trí về chương trình nghị sự chủ chốt. 

Hai bên thống nhất coi việc Liên hợp quốc xác nhận tiến trình hòa bình Áp-ga-ni-xtan, cam kết của các nhóm thương lượng, nguyện vọng của Áp-ga-ni-xtan cũng như thỏa thuận hòa bình Mỹ - Ta-li-ban là nền tảng để giải quyết các vấn đề thủ tục chính và cơ sở đàm phán.

* Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) Ph.Gran-đi hối thúc cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Áp-ga-ni-xtan, nếu không nước này sẽ phải đối mặt “những hậu quả thảm khốc”. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ông Gran-đi có chuyến thăm tới quốc gia Nam Á. Ông cho rằng, tương lai của hàng triệu người Áp-ga-ni-xtan sẽ phụ thuộc kết quả của những cuộc đàm phán hòa bình và cam kết của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của nước này.

* Trước thềm hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Áp-ga-ni-xtan, theo kế hoạch được tổ chức tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ)  ngày 23-11, tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) kêu gọi các quốc gia tài trợ bảo vệ tương lai của trẻ em Áp-ga-ni-xtan. Theo số liệu của LHQ, ít nhất 26.025 trẻ em ở Áp-ga-ni-xtan chết hoặc bị thương tật do bạo lực từ năm 2005 đến 2019. 

* Chính phủ của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni phải trình bày một khuôn khổ hòa bình và phát triển nhằm phân bổ nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, bảo vệ hàng triệu việc làm và bảo vệ các thể chế dân chủ ở nước này, nhằm thuyết phục các nhà tài trợ. Áp-ga-ni-xtan hiện phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế nước này sẽ giảm ít nhất 5,5% trong năm nay do tác động của dịch Covid-19.