Thiên tai, tai nạn ở nhiều nước

Theo Reuters và TTXVN, ngày 12-11, giới chức Italy cho biết, bão mạnh kèm mưa lớn đã gây ảnh hưởng nặng nề cuộc sống của người dân ở thành phố Venice, ở phía đông bắc và nhiều khu vực phía nam Italy.

Mưa lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở thành phố Doncaster, Anh. Ảnh PA
Mưa lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở thành phố Doncaster, Anh. Ảnh PA

Tại thành phố Venice, quảng trường St.Mark nổi tiếng bị nhấn chìm bởi mưa lớn. Nhiều trường học ở một số thành phố lớn phía nam buộc phải đóng cửa do mưa lớn. Tại thành phố Matera, lốc xoáy quật đổ nhiều cây cối, cột điện cũng như thổi bay nhiều mái nhà.

★ Tại Anh, những trận mưa lớn kéo dài tại khu vực miền bắc từ ngày 7-11 khiến mực nước sông dâng cao kỷ lục, gây ra lũ lụt trên diện rộng. Ngày 12-11, Thủ tướng Anh B.Johnson cho biết, quân đội sẽ triển khai 100 binh sĩ tới miền bắc để đối phó tình hình lũ lụt, đồng thời chính phủ quyết định chi 2,6 tỷ bảng (khoảng 3,4 tỷ USD) hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

★ Tại Australia, ngày 13-11, nhà chức trách bang New South Wales cho biết, ít nhất 50 ngôi nhà bị hư hại hoặc bị thiêu trụi trong các vụ cháy rừng vào ngày trước đó. Trong tuần qua, cháy rừng đã phá hủy hơn 200 ngôi nhà ở bang này. Các vụ cháy rừng đã làm ít nhất 21 người bị thương, trong đó có 13 lính cứu hỏa. Lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực ngăn chặn 300 đám cháy mới trong điều kiện thời tiết nóng và gió mạnh.

★ Ngày 13-11, tại Australia, một máy bay trực thăng bị rơi khi đang làm nhiệm vụ dập các đám cháy rừng ở khu vực Pechay, bang Queensland, miền bắc đất nước. Giới chức y tế cho biết, phi công lái máy bay nêu trên bị thương nhẹ.

★ Ngày 12-11, tại Kenya, một vụ cháy lớn bùng phát tại một bệnh viện lâu đời nhất tại thành phố cảng Mombasa, buộc lực lượng cứu hỏa phải sơ tán 100 người bệnh. Cảnh sát địa phương cho biết, nhiều khả năng một vụ nổ đường ống dẫn khí đốt là nguyên nhân gây hỏa hoạn. Rất may không có thương vong xảy ra.

★ Ngày 13-11, do ảnh hưởng của luồng không khí lạnh, bầu không khí tại nhiều nơi ở thủ đô New Delhi của Ấn Ðộ đã ghi nhận mức ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên toàn khu vực thủ đô ở mức nguy hiểm khi mật độ bụi mịn PM2,5 đo được là 497 microgram/m3, tức là mức mà các hạt bụi mịn này có thể xâm nhập sâu vào phổi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số an toàn PM2,5 đối với sức khỏe con người tối đa là 25 microgram/m3.