Thế giới vượt 109 triệu ca mắc Covid-19, các nước đẩy mạnh tiêm vaccine

NDO -

Theo số liệu cập nhật của worldometers, đến 8 giờ 15 phút sáng 14-2 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 109.088.415 ca mắc và 2.404.062 ca tử vong do Covid-19. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Israel, trước thực trạng số lượng người đăng ký tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang chững lại, chính phủ nước này ngày 13-2 đã phát động chiến dịch tiêm vaccine lưu động ngay tại nơi làm việc, trước mắt thực hiện tại các tập đoàn lớn có đông nhân viên.

Một số chuyên gia cho rằng, sáng kiến tiêm vaccine tại nơi làm việc sẽ tạo một cú hích mới cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 vốn đang chững lại tại Israel, do vẫn còn nhiều người thuộc diện cần tiêm chủng vẫn chưa đăng ký.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, ngày 13-2, bày tỏ lạc quan rằng có thể thông báo nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, trong bối cảnh chính phủ đang tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người thuộc các nhóm ưu tiên.

London cho biết, đến ngày 15-2 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người từ 70 tuổi trở lên, những người dễ bị triệu chứng nặng, các nhân viên y tế và xã hội tuyến đầu cùng người già trong các viện dưỡng lão.

Cũng trong ngày 13-2, Bộ trưởng Y tế Anh nói rằng, ông tin tưởng các cách điều trị mới và vaccine sẽ biến Covid-19 thành căn bệnh “chúng ta có thể sống chung như đã từng làm với bệnh cúm mùa”.

Phát biểu với truyền thông Anh, Bộ trưởng Matt Hancock cho rằng, các loại thuốc mới sẽ xuất hiện trong năm 2021, nhờ đó trước cuối năm nay bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trở thành căn bệnh có thể điều trị được. Bên cạnh đó, vaccine sẽ giúp giảm số người phải nhập viện, làm giảm số ca tử vong và chặn được đường lây nhiễm của virus. Theo ông, nếu bệnh Covid-19 trở thành giống bệnh cúm, mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường nhờ vaccine và thuốc điều trị.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13-2 cảnh báo về nguy cơ “làn sóng thứ tư” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại nước này, trong bối cảnh nhiều khu vực chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh.

Iran mới đây vừa tiếp nhận 100.000 liều vaccine Sputnik V của Nga ngày 12-2, sớm hơn so với kế hoạch. Dự kiến, Tehran sẽ triển khai tiêm vaccine từ ngày 16-2, sử dụng lô vaccine được chuyển đến hôm 4-2 vừa qua. Bộ Y tế Iran cho biết, nước này đặt mua tổng cộng hai triệu liều vaccine của Nga. Ngoài ra, Iran đã nhận 4,2 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế vaccine quốc tế Covax, đồng thời cũng đang nghiên cứu tự phát triển vaccine.

Cũng trong ngày 13-2, Liban chuẩn bị tiếp nhận lô vaccine đầu tiên. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ giám sát chặt chẽ chiến dịch tiêm chủng do WB tài trợ tại nước này nhằm bảo đảm tiêm đúng cho những người cần nhất.

Trong chiến dịch đầu tiên tài trợ các nước mua vaccine phòng ngừa Covid-19, WB đã phân bổ 34 triệu USD từ dự án y tế hiện có ở Liban để giúp nước này có đủ nguồn lực triển khai chiến dịch tiêm chủng. Dự kiến, những nhóm được ưu tiên tiêm chủng là các nhân viên y tế và người trên 65 tuổi.

Bộ Y tế Liban cho biết, nước này đã đặt mua khoảng 2,1 triệu liều vaccine Pfixer/BioNTech trong năm nay và sẽ tiếp nhận theo từng giai đoạn. Lô vaccine đầu tiên gồm khoảng 28.000 liều dự kiến sẽ tới sân bay Beirut ngày 13-2, và các nhân viên y tế sẽ được tiêm ngay trong ngày. Liban cũng đã đặt 2,7 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX dành cho các nước nghèo, đồng thời đàm phán với AstraZeneca để mua khoảng 1,5 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho một nửa dân số hơn sáu triệu của nước này.

Chính phủ CH Séc đang đàm phán với hãng dược AstraZeneca của Anh để mua vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với số lượng nhiều hơn hạn ngạch ba triệu liều dành cho nước này theo thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU).

Truyền thông Séc ngày 13-2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Séc cho biết, AstraZeneca đã đề nghị sẽ cung cấp thêm vaccine cho Séc và các cuộc đàm phán hiện nay là về số lượng, giá cả và thời điểm giao vaccine.

Trong khi đó, Hungary trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga ngày 12-2, trước khi có ý kiến của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) về loại vaccine này.

Theo thỏa thuận hồi tháng 1, Nga sẽ cung cấp tổng cộng hai triệu liều vaccine cho Hungary trong ba tháng, trong đó 40.000 liều đầu tiên đã đến Hungary vào ngày 2-2. Ngoài Sputnik V, Hungary hiện có vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Ngoài ra, vào cuối tháng 1, các nhà chức trách Hungary đã cấp phép sơ bộ một loại vaccine từ công ty Trung Quốc Sinopharm và đã ký thỏa thuận mua năm triệu liều.

Đại học Oxford ngày 13-2 thông báo đã triển khai nghiên cứu đánh giá độ an toàn và phản ứng miễn dịch ở trẻ em của vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà trường hợp tác với hãng dược AstraZeneca bào chế. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm phản ứng vaccine ở trẻ em được tiến hành.

Cuộc thử nghiệm giai đoạn giữa mới này sẽ xác định liệu vaccine có hiệu quả ngừa bệnh đối với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 tuổi hay không. Đại học Oxford cho biết sẽ có khoảng 300 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm và dự kiến đợt tiêm đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng này.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ 15 phút, sáng 14-2 (giờ Việt Nam).

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 28.196.073 ca mắc, 496.033 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 10.904.738 ca mắc, 155.673 ca tử vong
  3. Brazil: 9.811.255 ca mắc, 238.647 ca tử vong
  4. Nga: 4.057.698 ca mắc, 79.696 ca tử vong
  5. Anh: 4.027.106 ca mắc, 116.908 ca tử vong
  6. Pháp: 3.448.617 ca mắc, 81.647 ca tử vong
  7. Tây Ban Nha: 3.056.035 ca mắc, 64.747 ca tử vong
  8. Italy: 2.710.819 ca mắc, 93.356 ca tử vong
  9. Thổ Nhĩ Kỳ: 2.579.896 ca mắc, 27.377 ca tử vong
  10. Đức: 2.336.905 ca mắc, 65.415 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Indonesia: 1.210.703 ca mắc, 32.936 ca tử vong 
  2. Philippines: 547.255 ca mắc, 11.507 ca tử vong
  3. Malaysia: 261.805 ca mắc, 958 ca tử vong
  4. Myanmar: 141.585 ca mắc, 3.188 ca tử vong
  5. Singapore: 59.786 ca mắc, 29 ca tử vong
  6. Thái Lan: 24.405 ca mắc, 80 ca tử vong
  7. Việt Nam: 2.195 ca mắc, 35 ca tử vong
  8. Campuchia: 479 ca mắc
  9. Brunei: 184 ca mắc, 03 ca tử vong
  10. Timor-Leste: 101 ca mắc
  11. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Bắc Mỹ: 32.285.885 ca mắc, 714.839 tử vong
  2. Châu Âu: 32.130.284 ca mắc, 764.116 ca tử vong
  3. Châu Á: 23.974.812 ca mắc, 384.979 ca tử vong
  4. Nam Mỹ: 16.881.304 ca mắc, 440.728 ca tử vong
  5. Châu Phi: 3.764.868 ca mắc, 98.305 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 50.541 ca mắc, 1.080 ca tử vong