Thế giới tiếp tục ghi nhận đà lây nhiễm Covid-19 giảm song khó lường

NDO -

NDĐT – Số ca mắc Covid-19 trên thế giới theo số liệu lúc 9 giờ sáng 4-6 trên trang thống kê worldometer đã lên tới 6.567.592. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 387.933 người, số ca hồi phục là 3.169.034 người.

Người dân Rwanda thực hiện giãn cách xã hội khi chờ xe buýt (Ảnh: THX)
Người dân Rwanda thực hiện giãn cách xã hội khi chờ xe buýt (Ảnh: THX)

Thứ tự trong bảng xếp hạng 10 quốc gia tốp đầu hơn 160 nghìn ca đã có sự đã có sự thay đổi. Đáng kể là Pháp đã ra khỏi vị trí thứ tám trong danh sách, “nhường chỗ” cho Đức và vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ vẫn là nước có số người nhiễm và tử vong cao nhất với 1.901.783 ca nhiễm và 109.142 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 584.562 ca, trong đó có 32.568 ca tử vong. Nga có tổng số 432.277 ca mắc và 5.215 ca tử vong; Tây Ban Nha với 287.406 ca và 27.128 ca tử vong; Anh ghi nhận 279.856 ca mắc và vẫn có số ca tử vong cao nhất châu Âu với 39.728 ca tử vong; đứng thứ sáu là Italy có 233.836 ca mắc và 33.601 ca tử vong; Ấn Độ xếp ở vị trí thứ bảy với 216.824 ca mắc và 6.088 ca tử vong; Đức ở vị trí thứ tám với 184.425 ca mắc và 8.699 ca tử vong, Peru ghi nhận 178.914 ca mắc và 4.894 ca tử vong, Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 10 với 166.422 ca mắc và 4.609 ca tử vong.

* Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 4-6 thông báo nước này tiếp tục không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc đại lục, chỉ có một ca Covid-19 mới từ nước ngoài về tại tỉnh Quảng Đông. Trong sáng nay nước này có thêm năm bệnh nhân Covid-19 được xuất viện sau điều trị, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn quốc lên 78.319 bệnh nhân.

Cho tới nay, tổng số ca Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 83.022, trong đó có 69 bệnh nhân đang điều trị, 78.314 người đã chữa khỏi bệnh, và số ca tử vong do Covid-19 không thay đổi trong những ngày qua là 4.634 ca.

Tại Nhật Bản, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới tại thủ đô Tokyo trong ngày 3-6 đã giảm xuống 12 ca từ 34 ca trong ngày 2-6 song chính quyền thủ đô Tokyo vẫn cảnh báo duy trì các biện pháp phòng ngừa và ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực giải trí cho người lớn vào ban đêm.

Hàn Quốc trong sáng 4-6 thông báo có thêm 39 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 11.629 ca. Trong số 39 ca mắc mới có 33 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tình trạng lây nhiễm có liên quan tới hoạt động tôn giáo tại các nhà thờ ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, cùng với các ca nhiễm tại khu vực Itaewon và trung tâm hậu cầu của công ty Coupang vẫn là mối quan ngại của nhà chức trách Hàn Quốc.

Tại Đông-Nam Á, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng tại Singapore với 569 ca mới trong ngày 3-6, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 36.405 ca. Chính phủ Singapore đã quyết định xét nghiệm nhanh “drive-through” cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Indonesia trong ngày 3-6 có 684 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 28.233 ca, trong đó có 1.698 ca tử vong. Tiếp theo là Philippines với 19.748 ca mắc và 974 ca tử vong. Malaysia trong ngày 3-6 ghi nhận 93 ca mắc mới lên tổng số 7.970 ca mắc trên toàn quốc, và 115 ca tử vong. Thái Lan ghi nhận 3.084 ca mắc và 58 ca tử vong; các quốc gia Việt Nam (328 ca), Brunei (141 ca), Campuchia (125 ca), Lào (19 ca), Myanamar (233 ca) tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc mới trong nội địa và tử vong do Covid-19.

* Ngày 3-6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo trực tuyến đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình dịch bệnh tại khu vực Trung và Nam Mỹ. Khu vực này hiện đang chứng kiến đà lây lan nhanh chóng của đại dịch.

Theo cập nhật tới 7 giờ 30 phút sáng nay trên trang worldometer, khu vực Trung Mỹ đã ghi nhận 2.151.468 ca mắc và 129.929 ca tử vong. Trong khi đó, khu vực Nam Mỹ ghi nhận 986.173 với 44.293 ca tử vong. Brazil và Peru vẫn là hai nước có số ca Covid-19 cao nhất tại hai khu vực Trung và Nam Mỹ.

Để ứng phó với những tác động của dịch bệnh, Bộ Kinh tế Brazil cùng Ngân hàng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (BNDES) ngày 3-6 đã đưa ra một chương trình tín dụng khẩn cấp để tạo điều kiện cho các công ty vừa và nhỏ tiếp cận các khoản vay mới trong giai đoạn khó khăn. Chương trình này sẽ cung cấp các khoản bảo lãnh lên tới 80% giá trị của mỗi hoạt động tài chính cho các công ty có tổng doanh thu từ 360.000 real (67.000 USD) đến 300 triệu real (56 triệu USD).

Tại Mexico, trong 24 giờ qua, nước này là điểm nóng dịch bệnh của khu vực khi ghi nhận thêm 3.912 ca mắc mới và 1.091 ca tử vong - số ca tử vong cao nhất trong một ngày mà nước này ghi nhận kể từ dịch bệnh bùng phát. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp quốc gia Bắc Trung Mỹ này ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh sau khi chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội hôm 1-6 để từng bước đưa đất nước quay trở lại trạng thái bình thường mới. Đến nay, tổng số ca bệnh tại Mexico lên 101.238 người, trong đó có 11.729 ca tử vong, và 44.869 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Trước đó, Viện thống kê và địa lý nước này cho biết trong tháng 4, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quốc gia Mỹ Latinh này đã mất 2,1 triệu việc làm chính thức, tăng 4,7% so với con số 1,7 triệu người mất việc trong tháng 3. Theo báo cáo, từ tháng 1 đến tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp tại Mexico đã lên tới 11,87%, với tổng số người thất nghiệp lên đến 6,8 triệu người. Các chuyên gia kinh tế dự báo số người thất nghiệp tại Mexico sẽ có thể lên đến 8,1 triệu người trong năm nay.

* Tại châu Âu, Bộ Y tế Italy cho hay, mặc dù vẫn ghi nhận 321 ca nhiễm mới ở chín khu vực trong vòng 24 giờ, song lần đầu tiên kể từ khi áp dụng tình trạng khẩn cấp, số khu vực không có ca nhiễm mới đã tăng lên 12 khu vực.

Tại Đức, chỉ số lây nhiễm ở thủ đô Berlin (Đức) đã tăng lên 1,95, mức báo động đỏ trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang tiếp tục được nới lỏng không chỉ ở Berlin mà trên tất cả các bang. Với chỉ số lây nhiễm lên mức 1,95, đồng nghĩa với việc một người bệnh lây nhiễm cho gần 2 người khác, Berlin đã trải qua ba ngày liên tiếp có chỉ số R ở trên mức nguy hiểm (1,2).

Dù số ca nhiễm và tử vong đang giảm nhưng nước Anh vẫn ở trong giai đoạn cảnh báo mức độ 4 ( mức 5 là cao nhất). Nước này đã thông báo sẽ áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vảo nước này, bắt đầu từ 8-6. Theo đó, hầu hết người nhập cảnh vào Anh sẽ phải khai báo địa chỉ liên lạc và nơi sẽ thực hiện tự cách ly 14 ngày.

Trong khi đó, Chính phủ Bỉ đã quyết định mở lại biên giới với các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) và khối tự do đi lại Schengen từ ngày 15-6. Các điều kiện để nối lại hoạt động du lịch với các nước bên ngoài châu Âu sẽ phụ thuộc vào quyết định của các cuộc thảo luận ở cấp độ EU.

* Khu vực châu Phi tiếp tục ghi nhận đà tăng số ca mắc mới. Cho đến sáng nay, khu vực này đã có 164.985 ca mắc Covid-19 với 4.627 ca tử vong. Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu danh sách số ca Covid-19 cao nhất trong khu vực khi chứng kiến 1.713 ca mắc mới trong ngày 3-6, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 37.575 ca, trong đó có 792 ca tử vong. Mặc dù vậy, nước này đã nới lỏng các lệnh phong tỏa từ ngày 1-6, chuyển sang mức độ 3 trên 5 cấp của lệnh phong tỏa. Tiếp theo sau là Ai Cập với 28.615 ca mắc và 1.088 ca tử vong. Nước này đã ghi nhận 1.079 ca mắc mới trong vòng 24 giờ và hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong khu vực châu Phi.

* Khu vực châu Đại dương có tổng số 8.850 ca Covid-19 và 124 ca tử vong do căn bệnh chết người này. Australia vẫn là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất với lần lượt 7.240 ca và 102 ca. Tiếp sau là New Zealand với 1.504 ca mắc Covid-19 và 22 ca tử vong. Với dấu hiệu tích cực 13 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc và tử vong mới, chính quyền của Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết quyết định về việc hạ mức cảnh báo Covid-19 xuống cấp độ 1 trên toàn New Zealand sẽ được đưa ra vào ngày 8-6, và nhiều khả năng kế hoạch này sẽ được thực hiện trước ngày 10-6. Theo đó, sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, việc tụ tập và hoạt động thể thao cộng đồng nhưng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vẫn sẽ được duy trì.