Thế giới tiến sát mốc 106 triệu ca mắc Covid-19

NDO -

Theo số liệu thống kê của Worldometers.info, tính đến 12 giờ ngày 6-2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 105.920.531 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 2.309.093 ca tử vong. Số ca bệnh đã hồi phục là hơn 77,55 triệu ca.

Người dân đeo khẩu trang khi di chuyển trong khu vực Shinjuku tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Kyodo News
Người dân đeo khẩu trang khi di chuyển trong khu vực Shinjuku tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Kyodo News

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 27,4 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 470.700 ca tử vong. Xếp sau Mỹ lần lượt là Ấn Độ với hơn 10,81 triệu ca nhiễm, gần 155 nghìn ca tử vong; Brazil với gần 9,45 triệu ca nhiễm, hơn 230 nghìn ca tử vong.

Tại Mỹ, chính quyền thông báo Lầu Năm Góc đã thông qua việc triển khai 1.100 binh sĩ để hỗ trợ công tác tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Một phần của lực lượng này sẽ bắt đầu tới bang California trong vòng 10 ngày tới.

Trong khi đó, bang New York vừa quyết định mở rộng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao kể từ ngày 15-2 tới. Theo đó, những người mắc bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi, gan, tiểu đường, béo phì và phụ nữ mang thai sẽ được nằm trong nhóm ưu tiên.

Tại châu Á, trong buổi họp ngày 5-2, Chính phủ Nhật Bản nhận định sau bốn tuần ban bố tình trạng khẩn cấp đối với một số địa phương, tình trạng lây nhiễm Covid-19 đã tiến triển theo chiều hướng giảm nhưng hệ thống y tế nước này vẫn đang đứng trước rất nhiều áp lực. Do đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ hành động thận trọng, kể cả đối với địa phương được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn, vẫn có thể ngay lập tức tái áp đặt nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định sẽ chi trả chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài tại Nhật Bản và đang xúc tiến công tác chuẩn bị, bao gồm cả việc thể hiện đa ngôn ngữ trên các phiếu tiêm chủng để xác định tình trạng sức khỏe của từng người.

Ngày 6-2, Hàn Quốc thông báo sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm đối với khoảng 580.000 nhà hàng và doanh nghiệp bên ngoài thủ đô Seoul. Theo đó, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, câu lạc bộ thể thao... nằm bên ngoài thủ đô Seoul sẽ được phép kéo dài thời gian hoạt động đến 22 giờ hằng ngày.

Phát biểu tại cuộc họp về ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nêu rõ Chính phủ đưa ra quyết định này sau khi cân nhắc nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp chịu tác động kinh tế từ dịch Covid-19. Seoul và các khu vực lân cận đang áp dụng biện pháp phòng dịch ở cấp độ 2.5, mức cao thứ 2 trong thang áp dụng gồm 5 cấp.

Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết hơn 70% số bệnh nhân là từ khu vực đô thị Seoul và nguy cơ lây nhiễm tại đây vẫn ở mức cao. Do đó, các doanh nghiệp tại khu vực này vẫn phải đóng cửa lúc 21 giờ. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân ở nhà trong dịp nghỉ lễ, do lo ngại hoạt động đi lại có thể khiến số ca nhiễm tăng lên. Nhà chức trách vẫn duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đến ngày 14-2 tới.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 393 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 80.524 ca, trong đó có 1.464 ca tử vong do Covid-19.

Tại châu Âu, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5-2 cảnh báo nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 do sự nguy hiểm từ những biến thể mới. Trong khi đó, số ca tử vong từ đầu dịch đến nay tại nước này đã vượt quá 60.000 người. Đức hiện có tổng cộng hơn 2,27 triệu ca mắc Covid-19.

Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo đã công bố các biện pháp nới lỏng đối với một số ngành nghề, trong đó có các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, các cửa hiệu cắt tóc, các địa điểm nghỉ dưỡng và vườn bách thú sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 13-2 với điều kiện phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch và an toàn y tế. Ngoài ra, các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như thẩm mỹ và xăm hình cũng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1-3.

Trong khi đó, Hungary dự kiến bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sinopharm (do Trung Quốc điều chế) cho công dân vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết Hungary có thể triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga vào tuần tới khi nhà chức trách đã tạm thời phê duyệt chấp thuận việc sử dụng sản phẩm Sputnik V của Nga ngày 21-1. Theo thỏa thuận đã ký với Nga, Hungary sẽ nhận được hai triệu liều vaccine trong ba tháng, đủ để tiêm chủng cho một triệu người.

Liên quan tới vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, Hy Lạp đã quyết định giới hạn độ tuổi tiêm vaccine xuống dưới 65 tuổi, trong khi Tây Ban Nha quyết định chỉ tiêm vaccine này cho nhóm người dưới 55 tuổi.

Đáng chú ý, một bệnh viện của Israel vừa công bố phương pháp điều trị mang tính “đột phá” có thể giúp các ca bệnh Covid-19 thể vừa và nhẹ phục hồi nhanh chóng. Phương pháp này sử dụng chất EXO-CD24, do Giáo sư Nadir Arber điều chế từ trước đó nhiều năm.

Theo chuyên gia Shiran Shapira, một cộng sự của Giáo sư Arber, chất EXO-CD24 được các bác sĩ đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường mũi một lần mỗi ngày và đi thẳng vào phổi. Vì vậy, thuốc không gây tác dụng phụ và có thể được dễ dàng theo dõi, kiểm soát.

Trung tâm Y tế Ichilov (Israel) cho biết khi sử dụng chất EXO-CD24 điều trị cho 30 bệnh nhân Covid-19, hầu hết trong số này đã hồi phục chỉ sau 3-5 ngày. Chất EXO-CD24 giúp cơ thể người bệnh kháng lại triệu chứng “bão cytokine” - một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước một số bệnh lây nhiễm khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, buồn nôn, thậm chí tử vong.

Cơ chế hoạt động của chất EXO-CD24 sử dụng exosom - các túi ngoại bào có kích thước rất nhỏ do tế bào tiết ra - để vận chuyển protein CD24 tới phổi của bệnh nhân. Hiện giới y khoa tin rằng ,chính phản ứng thái quá của hệ miễn dịch cơ thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca tử vong vì Covid-19 thời gian qua.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết phương pháp điều trị này còn phải được tiếp tục thử nghiệm trong các giai đoạn tiếp theo nhưng hy vọng đây sẽ là bước đột phá trong điều trị bệnh Covid-19.

Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 27.407.324 ca mắc, 470.705 ca tử vong

2. Ấn Độ: 10.815.222 ca mắc, 154.956 ca tử vong

3. Brazil: 9.449.088 ca mắc, 230.127 ca tử vong

4. Nga: 3.934.606 ca mắc, 75.732 ca tử vong

5. Anh: 3.911.573 ca mắc, 111.264 ca tử vong

Cuộc đua vaccine Covid-19