Thế giới đang điều trị hơn 6 triệu ca mắc Covid-19

NDO -

Theo số liệu thống kê trang Worldometers, tính đến 7 giờ sáng 4-8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 18,42 triệu ca, trong đó có 11,66 triệu ca đã hoàn toàn bình phục,  6,07 triệu ca đang điều trị và 696 nghìn ca đã tử vong.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

* Tại Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, trong 24 giờ qua đã có thêm 47.970 ca mắc mới và 545 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.861.522 ca, tổng số ca tử vong là 158.906 ca. 

* Theo TTXVN, Chánh văn phòng Tổng thống Brazil, Tướng Walter Souza Braga Netto, đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó trở thành bộ trưởng thứ bảy tại quốc gia Nam Mỹ này mắc Covid-19.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Brazil cho hay, ông Braga Netto vẫn khỏe và không có triệu chứng. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn bị cách ly và làm việc từ xa cho đến khi một cuộc kiểm tra và đánh giá y tế mới được thực hiện.

Tuần trước, Đệ nhất phu nhân Brazil cũng đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Bản thân Tổng thống Jair Bolsonaro cũng mắc Covid-19 song kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy ông đã khỏi bệnh.

Brazil hiện là vùng dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Theo số liệu của Worldometers, nước này đã ghi nhận hơn 2,75 triệu ca mắc, trong đó có 94.702 trường hợp tử vong.

* Theo TTXVN, Ngày 3-8, chính phủ Peru đã quyết định cho phép ký hợp đồng với các bác sĩ người nước ngoài dù bằng cấp của họ chưa được công nhận tại nước này nhằm tăng cường lực lượng y bác sĩ để đối phó với đại dịch Covid-19.

Sắc lệnh ngoại lệ này được coi là biện pháp ngoại lệ giúp hàng nghìn bác sĩ người Venezuela nhập cư vào Peru trong những năm qua có cơ hội được hành nghề, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung trong cuộc chiến chống dịch bệnh lần này trong bối cảnh Peru đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực.

Peru hiện là nước có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ bảy thế gới với 433.100 ca, trong đó có 19.811 trường hợp tử vong. 

* Theo TTXVN, ngày 3-8, Nga thông báo mục tiêu của nước này là sản xuất hàng loạt vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vào tháng 9 tới và sang năm 2021 sản xuất hàng triệu liều mỗi tháng. 

Trả lời phỏng vấn của hãng tin TASS, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov nêu rõ: "Chúng tôi đang trông chờ bắt đầu đưa vaccine vào sản xuất hàng loạt vào tháng 9 nước này. Chúng tôi sẽ có thể đảm bảo sản xuất số lượng hàng trăm nghìn liều vaccine trong một tháng và sẽ cuối cùng sẽ tăng lên vài triệu liều bắt đầu vào năm tới"

Ông cho biết một nhà sản xuất vaccine đang chuẩn bị công nghệ sản xuất tại 3 địa điểm ở miền trung nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu một vài mẫu vaccine, trong đó có vaccine được bào chế tại Viện Gamaleya ở Moskva đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và tiến tới giai đoạn phát triển đầu tiên.

Vaccine của Viện Gamaleya bào chế là vaccine vector tái tổ hợp, sử dụng virus hoặc vi khuẩn đã được làm giảm động lực để đưa DNA vào trong tế bào cơ thể người.

Ngoài ra, một mẫu vaccine nữa do phòng thí nghiệm Vektor đặt trụ sở ở Siberia phát triển hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng và 2 mẫu vắcxin khác sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người trong vòng 2 tháng tới. 

Tính đến nay, Nga ghi nhận 856.264 ca mắc Covid-19, trong đó có 14.207 ca tử vong

* Theo TTXVN, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 3-8 đã kêu gọi người dân Đức không chủ quan đối với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời lên tiếng chỉ trích một bộ phận người dân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 có chiều hướng gia tăng ở nước này.

Trong một thông điệp bằng video, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh sự vô trách nhiệm của một vài người sẽ gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến việc khôi phục đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa.

Tổng thống Steinmeier cảnh báo nước Đức vẫn ở trong đại dịch khi số người nhiễm đã tăng trở lại. Ông kêu gọi người dân hành xử có trách nhiệm để có thể tránh phải áp đặt trở lại các quy định trước đây.

Phát biểu của Tổng thống Đức được đưa ra sau khi có hàng nghìn người biểu tình không tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ở thủ đô Berlin để phản đối chính sách chống dịch của Chính phủ Đức vào ngày 1-8 vừa qua.

Theo Worldometers Đức hiện có số ca nhiễm đứng thứ 18 thế giới với 212.320 ca, trong đó có 9.232 ca tử vong.

* Theo TTXVN, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết, nước này sẽ bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi phà tới các hòn đảo, thay vì chỉ áp dụng với các khu vực gian kín nơi công cộng như hiện nay, sau khi số ca nhiễm tại nước này đột ngột tăng.

Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-8 đến ngày 18-8, cũng là giai đoạn cao điểm của du lịch mùa hè tại Hy Lạp.

Hy Lạp hiện ghi nhận tổng cộng 4.737 ca nhiễm và 209 ca tử vong do Covid-19, con số tương đối thấp so với nhiều nước châu Âu khác. Tuy nhiên, sau thời gian nới lỏng hạn chế từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7, số ca nhiễm đã đột ngột tăng mạnh. Ngày 1-8 vừa qua, Hy Lạp đã ghi nhận thêm 110 ca nhiễm mới, cũng là mức cao nhất trong nhiều tuần.

* Theo TTXVN, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 3-8 ra thông báo nhấn mạnh tất cả các du khách nhập cảnh vào đảo quốc này - những người phải cách ly tại nhà trong 14 ngày, cũng sẽ phải đeo một thiết bị giám sát điện tử.

Quy định trên bắt đầu có hiệu lực kể từ 23 giờ 59 phút đêm 10-8 và được áp dụng đối với các công dân Singapore, công dân có hộ khẩu thường trú, những người được cấp thị thực (visa) dài hạn và visa theo diện làm việc tại Singapore cùng các trường hợp nằm trong diện phụ thuộc. Những người dưới 12 tuổi được miễn thực hiện quy định này.

Hiện Singapore ghi nhận 53.051 ca mắc, trong đó có 27 ca tử vong.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 4-8:

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 4.861.522 ca mắc, 158.906 ca tử vong
2. Brazil: 2.751.665 ca mắc, 94.702 ca tử vong
3. Ấn Độ: 1.855.331 ca mắc, 38.971 ca tử vong
4. Nga: 856.264 ca mắc, 14.207 ca tử vong
5. Nam Phi: 516.862 ca mắc, 8.539 ca tử vong
6. Mexico: 439.046 ca mắc, 47.746 ca tử vong
7. Peru: 433.100 ca mắc, 19.811 ca tử vong
8. Chile: 361.493 ca mắc, 9.707 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 344.134 ca mắc, 28.472 ca tử vong
10. Colombia: 327.850 ca mắc, 11.017 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 113.134 ca mắc, 5.302 ca tử vong
2. Philippines: 106.330 ca mắc, 2.104 ca tử vong
3. Singapore: 53.051 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 9.001 ca mắc, 125 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.320 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 652 ca mắc, 6 ca tử vong
7. Myanmar: 355 ca mắc, 6 ca tử vong
8. Campuchia: 240 ca mắc
9. Brunei: 141 ca mắc, 3 ca tử vong
10. Lào: 20 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 5.708.581 ca mắc, 222.797 ca tử vong
2. Châu Á: 4.523.351 ca mắc, 100.679 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 4.285.550 ca mắc, 148.327 ca tử vong
4. Châu Âu: 2.923.590 ca mắc, 204.059 ca tử vong
5. Châu Phi: 972.061 ca mắc, 20.661 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 20.107 ca mắc, 246 ca tử vong