Thế giới cam kết đóng góp 8,8 tỷ USD cho Liên minh vaccine

NDO -

NDĐT - Tại Hội nghị thượng đỉnh vaccine toàn cầu 2020 do Anh chủ trì ngày 4-6, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết quyên góp 8,8 tỷ USD cho Liên minh vaccine (GAVI), vượt xa mục tiêu 7,4 tỷ USD được đề ra ban đầu.

Thủ tướng Anh B.Johnson phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh vaccine toàn cầu 2020. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Thủ tướng Anh B.Johnson phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh vaccine toàn cầu 2020. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hội nghị trực tuyến này thu hút sự tham gia của đại diện đến từ 52 quốc gia, trong đó có 35 nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo của tổ chức y tế toàn cầu, khu vực tư nhân, nhà sản xuất vaccine.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson hối thúc các quốc gia và tổ chức cam kết tài trợ hoạt động tiêm chủng để cứu sống hàng triệu người tại những nước nghèo nhất và bảo vệ thế giới khỏi các đợt bùng phát bệnh lây nhiễm trong tương lai. Ông Johnson cho rằng, hội nghị này là dịp để thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. “Tôi kêu gọi các bạn cùng với chúng tôi củng cố liên minh có nhiệm vụ cứu người này và mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác y tế toàn cầu”, Thủ tướng Anh nói.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Anh, 32 chính phủ và 12 quỹ, tập đoàn, tổ chức đã quyết định ủng hộ GAVI 8,8 tỷ USD, đồng thời đưa ra các cam kết mang tính lịch sử. Là nhà tài trợ lớn nhất của GAVI, Anh cam kết ủng hộ liên minh này hơn hai tỷ bảng trong vòng năm năm tới. Những nhà tài trợ hàng đầu khác gồm Quỹ Bill & Melinda Gates, các nước châu Âu như Na Uy và Đức. Tám nước cam kết đóng góp cho GAVI lần đầu tiên gồm Bhutan, Burkina Faso, Cameroon, Phần Lan, Hy Lạp, New Zealand, Bồ Đào Nha và Uganda.

Khoản tiền vừa được các nhà lãnh đạo cam kết quyên góp sẽ giúp 300 triệu trẻ em ở các quốc gia nghèo nhất miễn dịch với những bệnh như sởi, bại liệt và bạch hầu từ nay cho đến cuối năm 2025. Số tiền nêu trên cũng sẽ hỗ trợ các hệ thống y tế trên thế giới chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 và duy trì hạ tầng cần thiết để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi thế giới đang tập trung ứng phó Covid-19, GAVI, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn nhiều chương trình tiêm chủng quan trọng khiến 80 triệu trẻ em dưới một tuổi đang phải đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, nếu thế giới để virus SARS-CoV-2 lây lan tại các nước đang phát triển thì trong tương lai làn sóng lây nhiễm có thể sẽ lan tới các nước phát triển. Nếu một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 một cách an toàn và có hiệu quả ra đời thì GAVI sẽ đóng vai trò phân phối vaccine khắp thế giới.

Châu Âu, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, vẫn đang tìm giải pháp ứng phó với dịch bệnh khó lường này, trong đó có mục tiêu phát triển vaccine. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng, Liên hiệp châu Âu (EU) phải giữ vai trò lãnh đạo và tham gia nhiều hơn về mặt tài chính. Ông Spahn khẳng định, đây sẽ là một trong những ưu tiên của Đức khi nước này tiếp nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1-7 tới. Berlin và Paris đã nhất trí thúc đẩy năng lực nghiên cứu, phát triển vaccine và phương pháp điều trị Covid-19, thiết lập các kho dự trữ chiến lược chung sản phẩm y tế, tăng cường năng lực sản xuất những sản phẩm này tại EU.