Thái Lan khó gửi yêu cầu gia nhập CPTPP trong năm 2020

NDO -

Ngày 2-7, Cục trưởng Đàm phán Thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cho biết, nước này khó có thể gửi yêu cầu chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm nay do vẫn còn nhiều tranh cãi.
 

Bà Auramon Supthaweethum - Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan. (Ảnh The Nation)
Bà Auramon Supthaweethum - Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan. (Ảnh The Nation)

Bà Auramon cho biết, Chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu chi phí và lợi ích của nước này nếu tham gia vào CPTPP. Ủy ban sẽ có 60 ngày để hoàn thành nghiên cứu của mình, sau đó Chính phủ sẽ xem xét trước khi quyết định có tham gia hiệp ước này hay không.

Bộ Thương mại Thái Lan trước đây cũng dự kiến nước này có thể sẽ gửi yêu cầu chính thức tham gia trước khi cuộc họp của Hội đồng CPTPP diễn ra vào ngày 5-8, nếu Chính phủ nước này chấp thuận đề xuất của Bộ Thương mại.

Một nghiên cứu do công ty Bolliger Thái Lan thực hiện dưới sự ủy quyền bởi Cục đàm phán thương mại cho thấy, nếu Thái Lan tham gia vào CPTPP sẽ giúp tăng GDP của nước này thêm từ 0,07 đến 0,22%, tương đương với mức 251 đến 755 triệu USD, và mức đầu tư tăng từ 5,14 đến 6,66%, tương đương với mức 4,8 đến 6,2 tỷ USD. Xuất khẩu cũng được dự đoán tăng từ 3,47 đến 4,63%, tương đương 8,8 đến 11,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu không có tư cách thành viên CPTPP, Thái Lan ước tính sẽ mất khoảng 859 triệu USD đến 3,5 tỷ USD, tương đương 0,25% và 1,01% GDP, và mức đầu tư sẽ giảm xuống còn 1,97 tỷ USD.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, khi tham gia với tư cách thành viên của CPTPP sẽ bảo đảm cho Thái Lan quyền ưu tiên và cải thiện chất lượng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tại các quốc gia mà Thái Lan đã có FTA. Ngoài ra, CPTPP cũng giúp Thái Lan mở rộng thị trường đáng kể, bao gồm cả những thị trường mà nước này không có FTA như Canada hay Mexico.

Mặc dù vậy, một nhóm các tổ chức phi chính phủ do FTA Watch và BioThai dẫn đầu và một nhóm dân sự khác ủng hộ nông nghiệp bền vững, đã dấy lên mối lo ngại về những bất lợi khi Thái Lan tham gia vào CPTPP.

Theo đó, họ lo ngại Thái lan sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt với các mặt hàng nông nghiệp như phân bón, hạt giống cây trồng.

Ngoài ra, hiệp ước trên sẽ yêu cầu Thái Lan phải tuân thủ luật pháp quốc tế giống như Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV 1991), điều đã ảnh hưởng đến quyền và sự tiếp cận của nông dân Thái Lan. Theo đó, CPTPP sẽ cho phép các quốc gia thành viên được phép sử dụng các giống cây trồng thế mạnh của Thái Lan để nghiên cứu và nhân ra các giống cây trồng mới, và sau đó các quốc gia này có quyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các giống mới mà họ nghiên cứu ra.

Như vậy, nông dân Thái Lan sau khi mua giống cây trồng mới sẽ không thể tiết kiệm hạt giống cho mùa vụ mới (trong khi trước đây họ có thể làm điều này nhằm tiết kiệm chi phí) và vô hình chung khiến họ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để làm nông nghiệp.