Thách thức nhân đạo tại Afghanistan

Cuộc xung đột kéo dài gần 20 năm qua tại Afghanistan đã và đang để lại những di chứng nghiêm trọng đối với quốc gia Nam Á này, khi hàng triệu người dân cần hỗ trợ nhân đạo trong năm 2020. Trong khi đó, triển vọng thiết lập nền hòa bình lâu dài tại Afghanistan vẫn còn mong manh.

Nhiều trẻ em đến tuổi đi học ở Afghanistan không được đến trường. Ảnh TÂN HOA XÃ
Nhiều trẻ em đến tuổi đi học ở Afghanistan không được đến trường. Ảnh TÂN HOA XÃ

Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tại Afghanistan nhận định, trong năm 2020, cần huy động hơn 730 triệu USD để giúp đỡ những người gặp khó khăn ở quốc gia này. Theo đó, hiện 9,4 triệu người dân Afghanistan cần được giúp đỡ về thực phẩm và nhà ở, tăng so với con số 6,5 triệu người trong năm 2019. Ước tính hơn 14 triệu người dân Afghanistan có nguy cơ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trong quý I năm nay. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng tăng cao, với hơn ba triệu trẻ em và phụ nữ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Trong khi đó, theo thống kê, kể từ khi các cuộc xung đột bùng phát đến nay, hơn một triệu người dân Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa do an ninh bất ổn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, hơn 414 nghìn người đã phải sơ tán vì các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban, cũng như hạn hán kéo dài.

Cuộc chiến kéo dài gần 20 năm qua ở Afghanistan cũng gây hậu quả nặng nề đối với trẻ em. Theo số liệu mới nhất của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), xung đột tại Afghanistan đã khiến hàng nghìn trẻ em bị giết hoặc tự sát. Chỉ trong quý III - 2019, hơn 630 trẻ em bị thiệt mạng và khoảng 1.800 trẻ em bị thương. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết, hiện 3,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ở Afghanistan không được đến trường. Bên cạnh đó, việc các nhóm vũ trang tuyển mộ và sử dụng trẻ em trong chiến đấu tiếp tục gia tăng. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã lên án tình trạng vi phạm nghiêm trọng ở mức báo động đối với quyền trẻ em, cũng như thực tế đau xót là trẻ em tiếp tục là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến chưa có hồi kết ở Afghanistan. Liên hợp quốc cũng hối thúc các bên liên quan tham gia vào nỗ lực thiết lập nền hòa bình lâu dài tại quốc gia này, để hiện thực hóa ước mơ của hàng triệu người dân Afghanistan mong muốn có được cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con đường đi đến hòa bình tại Afghanistan vẫn còn nhiều khó khăn. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ D.Trump nhiều lần tuyên bố sẽ sớm rút binh sĩ khỏi vũng lầy Afghanistan. Trong Thông điệp liên bang năm 2020 đọc trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống D.Trump cũng tái khẳng định quyết tâm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan, theo đó thúc đẩy đàm phán với lực lượng phiến quân Taliban. Tháng 9-2019, Mỹ và Taliban đã tiến gần đến một thỏa thuận về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, song Tổng thống D.Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn tiến trình này và viện dẫn lý do bạo lực mà Taliban gây ra. Ba tháng sau đó, các cuộc đàm phán đã được tái khởi động tại Ca-ta nhưng cũng bị gián đoạn thêm một lần nữa sau vụ tiến công gần căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo mới đây khẳng định, Washington yêu cầu Taliban đưa ra các bằng chứng rõ ràng về khả năng giảm bạo lực, trước khi ký bất kỳ thỏa thuận nào, song Taliban đã không thể chứng minh được điều này. Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Mỹ và lực lượng Taliban đạt được thỏa thuận, thì tiến trình hòa bình tại Afghanistan vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Đối với người dân Afghanistan, vốn nhiều năm sống trong tình trạng khói lửa xung đột và chia rẽ sắc tộc sâu sắc, hòa bình vẫn là niềm mong mỏi lớn nhất. Các nhà phân tích cho rằng, những thách thức nhân đạo nghiêm trọng mà Afghanistan đang phải đối mặt cũng chỉ có thể được giải quyết khi quốc gia Nam Á này có được nền hòa bình và sự ổn định lâu dài, đúng như nguyện vọng và khát khao chính đáng của người dân.