Tạo sức bật mới cho nền kinh tế Thái-lan

Chính phủ Thái-lan vừa công bố một loạt chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp... nhằm kích thích nền kinh tế phát triển. Với các biện pháp mới này, Bộ trưởng Tài chính Thái-lan U.Xa-va-na-y-a-na khẳng định, Chính phủ đã huy động toàn bộ nguồn lực để cải thiện nền kinh tế, trong bối cảnh những căng thẳng thương mại đang gia tăng tại khu vực.

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở tỉnh Xu-phan Bu-ri, Thái-lan. Ảnh ROI-TƠ
Nông dân làm việc trên cánh đồng ở tỉnh Xu-phan Bu-ri, Thái-lan. Ảnh ROI-TƠ

Gói chính sách mới mà Chính phủ Thái-lan công bố gần đây bao gồm hàng loạt biện pháp khuyến khích về thuế hướng tới một số nước cụ thể và tiến tới sửa đổi Luật Kinh doanh nước ngoài, qua đó "bật đèn xanh" cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư tại "đất nước của những nụ cười". Ngoài ra, gói chính sách này đưa ra các biện pháp giúp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Cụ thể, các công ty sẽ được hưởng mức khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp là 250% so với mức 200% hiện nay đối với hoạt động đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn 2019 - 2020. Ông C.Pu-tra-cun, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Thủ tướng Thái-lan Pray-út Chan-ô-cha nhận định, gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp Thái-lan tăng khả năng cạnh tranh với các nước châu Á khác trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ cao. Chính phủ Thái-lan cũng quyết định thông qua việc giải ngân 330 triệu USD từ Quỹ Năng lực cạnh tranh để hỗ trợ thành lập một học viện công nghệ cao ở quốc gia Ðông - Nam Á này.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ Thái-lan đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, một trong những lĩnh vực được giới chức nước này nhận định là động lực kinh tế chủ chốt của Thái-lan. Phát biểu ý kiến với truyền thông, Phó Thủ tướng Thái-lan X.Gia-tu-xri-pi-tắc cho biết sẽ sớm chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC), Bộ Tài chính, Quỹ Nhà ở và Bộ Công nghiệp triển khai các biện pháp mới nhằm hỗ trợ nông dân thúc đẩy chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Ngành nông nghiệp của Thái-lan thời gian qua phải hứng chịu thiệt hại lớn do hạn hán. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái-lan (RID) dự báo, hiện tượng En Ni-nô sẽ tiếp tục gây tình trạng khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng ở nước này.

Giới chuyên gia từng nhận định, năm 2019 không dễ dàng đối với nền kinh tế Thái-lan. Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia của Thái-lan gần đây công bố báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II-2019 chỉ đạt 2,3% và là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ quý III-2014. Trong quý I-2019, tăng trưởng GDP của Thái-lan ở mức 2,8%, lần đầu giảm xuống mức dưới 3% kể từ giữa năm 2015. Chính phủ nước này cho biết, nhu cầu nội địa sụt giảm cùng với hoạt động xuất khẩu đi xuống là những nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình này, việc tạo sức bật mới cho nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ Thái-lan. Hồi tháng 8-2019, Chính phủ quốc gia Ðông - Nam Á đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá hơn 10 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Tài chính Thái-lan U.Xa-va-na-y-a-na, gói kích thích kinh tế nêu trên bao gồm ba nhóm biện pháp chính, cụ thể là: trợ cấp cho những người có thu nhập thấp và người cao tuổi; giãn nợ đối với những nông dân chịu thiệt hại do hạn hán và nỗ lực giảm nhẹ tác động của sự giảm tốc kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế Thái-lan. Văn phòng Chính sách tài khóa Thái-lan bày tỏ hy vọng, các biện pháp mới sẽ mang đến những "gam mầu tươi sáng" cho nền kinh tế, giúp nâng tăng trưởng kinh tế Thái-lan trong năm 2019 lên mức 3,5%.

Mặc dù các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh tại Thái-lan và một số quốc gia trong khu vực sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những căng thẳng thương mại gia tăng, song giới chức Thái-lan lạc quan cho biết, Chính phủ tự tin các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn đủ mạnh để bù đắp khi tình hình xuất khẩu không mấy khả quan. Những chính sách mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực phát triển, thổi sức sống mới cho nền kinh tế.