Số ca mắc Covid-19 ở châu Mỹ tăng mạnh

Theo Reuters và TTXVN, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Mỹ C.Etienne cho biết, WHO đánh giá các quốc gia châu Mỹ là “tâm dịch mới” của đại dịch Covid-19 và hiện chưa phải thời điểm để các nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế. Số ca mắc mới liên tiếp tăng cao không chỉ ở Bắc Mỹ, mà cả các nước Mỹ Latinh, như Chile, Peru, Ecuador và Venezuela...

* Bra-xin trở thành “điểm nóng mới”, khi ghi nhận tổng cộng hơn 394.000 ca mắc, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong đó hơn 24.500 người chết. Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo, số ca chết do Covid-19 tại Bra-xin có thể lên hơn 125.000 người vào đầu tháng 8 tới.

* Mê-hi-cô cũng thông báo số ca nhiễm và chết do Covid-19 tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ, với 3.461 ca bệnh mới và 501 ca tử vong.

* Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên có số ca tử vong do Covid-19 vượt con số 100.000 người. Tuy nhiên, tốc độ lây lan dịch ở Mỹ có chiều hướng chững lại.

* Tại châu Âu, các nước Hungary, Slovakia và Séc nhất trí mở lại đường biên giới chung từ đêm 26-5. Chính phủ Hungary đệ trình dự luật đề xuất hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp, sau khi cả số bệnh nhân và số ca tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng chậm hơn, với 3.793 ca mắc, 505 người chết.

* Trong khi đó, Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát lần hai; song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó đợt bùng phát mới, trong đó có việc tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%.

* Năm nước Liên hiệp châu Âu (EU), gồm Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italy kêu gọi hợp tác phát triển một ứng dụng kỹ thuật số chung, nhằm theo sát tình hình dịch. Giới chức năm nước nhấn mạnh, việc thiết lập lại đời sống bình thường ở EU đòi hỏi nỗ lực chung của cả châu Âu và các ứng dụng kỹ thuật số cho phép “kết nối liên tục bất chấp khoảng cách vật lý”.

* Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cùng tất cả các quốc gia thành viên lên kế hoạch đối phó làn sóng bùng phát dịch thứ hai. Đồng thời cảnh báo, hiện các doanh nghiệp dược không còn sản phẩm dự trữ, do đó chính phủ các nước cần chủ động mua bổ sung thuốc.

* Sáu xe tải chở hơn 70 tấn thiết bị y tế của Ba Lan khởi hành từ thủ đô Vác-sa-va tới khu vực Tây Ban-căng, để hỗ trợ các nước trong khu vực. Bộ Ngoại giao Ba Lan nhấn mạnh, đây là minh chứng của sự đoàn kết quốc tế.

* Trong khi đó, tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận thêm 40 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca lây nhiễm trong nước và ba ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc trong ngày nhiều nhất tại Hàn Quốc trong 49 ngày qua.

* Trung Quốc đại lục ngày 27-5 thông báo, có một ca nhiễm là người nhập cảnh vào thành phố Thượng Hải, song không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng.

* Indonesia triển khai 340.000 binh sĩ và cảnh sát tại các địa điểm đông người ở 25 thành phố, chuẩn bị triển khai trạng thái “bình thường mới”. Tại Phi-li-pin, cảnh sát thủ đô Manila diễn tập thực thi biện pháp giãn cách xã hội trên phương tiện giao thông công cộng.

* Chính phủ Campuchia cho phép nối lại hoạt động thể thao, nhưng không có khán giả. Các quan chức và vận động viên phải tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo về y tế, như không tập trung quá 100 người mỗi lần thi đấu...

* Tại Australia, số ca mắc Covid-19 giảm còn dưới 500 người, bệnh nhân cuối cùng tại New Zealand cũng đã xuất viện ngày 27-5. Quan chức y tế cấp cao hai bên đàm phán sơ bộ về khôi phục việc đi lại an toàn giữa hai nước.

* Trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa Chủ tịch EC U.Leyen và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe, hai bên cam kết quan hệ đối tác chiến lược EU - Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch; nhất trí cùng hành động, tìm ra thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh.

* Tại châu Phi, Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 789 trường hợp nhiễm, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 18.756 người.

* Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khẳng định hợp tác chặt chẽ với các đối tác và chính phủ các nước Đông Phi để tìm giải pháp hỗ trợ người tị nạn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. UNHCR lo ngại, nhiều người tị nạn lâm vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, dễ bị bóc lột và lạm dụng.

* Giới chức Liên hợp quốc tổ chức họp trực tuyến với hơn 10 nhà lãnh đạo thế giới nhằm thảo luận về tăng hỗ trợ tài chính cho nước đang phát triển chống chọi dịch bệnh. Cuộc họp do Tổng Thư ký LHQ cùng các nhà lãnh đạo Canada và Jamaica triệu tập, có sự tham gia của các đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết đánh giá nhanh dữ liệu về thuốc sốt rét hydroxychloroquine, sau khi có nhiều quan ngại về sự an toàn của loại thuốc này khiến WHO phải dừng thử nghiệm thuốc trên quy mô lớn với người mắc Covid-19. WHO cho biết sẽ công bố đánh giá về lợi ích và mức độ nguy hại của thuốc sốt rét trong điều trị Covid-19, có thể giữa tháng 6 tới.