Điểm thời sự

Sáng kiến cho bài toán việc làm

Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người Nga thất nghiệp. Hàng trăm nghìn người cũng đứng trước nguy cơ mất việc làm, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và vận tải. Trong bối cảnh đó, giới chức Nga đề xuất nhiều sáng kiến hỗ trợ, trong đó phát động chương trình quy mô lớn về đào tạo nghề, nhằm giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ki-ốt bán tranh trên phố đi bộ ở thủ đô Mát-xcơ-va.
Ki-ốt bán tranh trên phố đi bộ ở thủ đô Mát-xcơ-va.

Những hạn chế áp đặt nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động toàn cầu. Theo một nghiên cứu gần đây của Công ty Boston Consulting Group (BCG), gần hai tỷ người trên thế giới có nguy cơ mất việc làm. Tại Nga, số liệu chính thức tháng 8-2020 ghi nhận khoảng 3,3 triệu người thất nghiệp, trong khi khoảng 0,4% số nhân viên khác có thể bị sa thải trong tương lai gần. Tuy nhiên, giới chức Nga đánh giá, quy mô thất nghiệp trong nước có thể lớn hơn nhiều lần, do số liệu thống kê chính thức chỉ xét những người đăng ký tại sàn giao dịch việc làm. 

Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất làm việc trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và vận tải. Có mặt tại Nga thời điểm tháng 9, có thể bắt gặp cảnh các cửa hàng treo biển thanh lý, cho thuê mặt bằng. Tại phố đi bộ nổi tiếng A-rơ-bát ở thủ đô Mát-xcơ-va, một trong những con phố thương mại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, trong quý II - 2020, tỷ lệ mặt bằng trống là khoảng 14,3%, cao hơn 4,6 điểm % so quý trước đó. Do vắng khách du lịch, nhất là khách quốc tế, không ít cửa hàng, quán cà-phê phải đóng cửa kéo dài.

Thị trường lao động Nga đã chứng kiến “thực trạng buồn”, khi số lượng việc làm giảm mạnh. Tháng 6 vừa qua, cứ gần hai người không có việc làm chính thức thì chỉ có một vị trí cần tuyển dụng. Đây là thực trạng đáng lo ngại nếu so với tỷ lệ cứ một người thất nghiệp thì có hai vị trí tuyển dụng hồi tháng 3, thời điểm trước khi các biện pháp hạn chế được áp dụng để chống dịch Covid-19. Để giúp người lao động vượt qua khó khăn, Chính phủ Nga đưa ra gói các biện pháp cứu trợ quy mô lớn, trị giá bốn nghìn tỷ rúp. Đáng chú ý, 13,5 tỷ rúp được dành chi trả trợ cấp thất nghiệp, trong khi doanh thu từ dầu mỏ để hỗ trợ các gia đình có nhiều trẻ em.

Chính phủ Nga khẳng định, ưu tiên hiện nay là khôi phục thị trường lao động. Tổng thống V.Pu-tin nhấn mạnh yêu cầu tập trung hỗ trợ những người thất nghiệp tạm thời, song song nỗ lực tạo việc làm. Chính phủ lên kế hoạch chi ba tỷ rúp để đào tạo nghề cho những người thất nghiệp. Dịch bệnh gây tác động lớn, song cũng tạo cơ hội cho một số ngành nghề, lĩnh vực mới phát triển, như thương mại điện tử, vận tải, hay phát triển công nghệ số, công nghệ theo dõi sức khỏe con người. Thủ tướng Nga M.Mi-su-xtin tin tưởng, tham gia các khóa đào tạo, người lao động có thể lĩnh hội các kỹ năng mới để tìm cơ hội cho chính mình. 

Thị trường lao động Nga đã có nhiều thay đổi. Loại hình làm việc từ xa phổ biến hơn, do yêu cầu hoạt động chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh. Bộ Lao động Nga nhận định, nhu cầu làm việc từ xa rất cao, kể cả sau khủng hoảng do Covid-19. Dự báo, đến quý IV - 2021, thị trường việc làm ở Nga có thể trở lại mức trước khủng hoảng. Nga đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, số người thất nghiệp không vượt mức 700 nghìn người. Hỗ trợ việc làm và nâng cao năng suất lao động là một trong những mục tiêu dài hạn của nước Nga. 

Giới chức Nga nhận định, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 có thể làm chậm sự phát triển của đất nước trong ít nhất hai năm; và công việc khắc phục những thiệt hại do dịch bệnh cần thêm bốn năm nữa. Chính phủ Nga đang dồn lực để đưa kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển, trong đó, hỗ trợ người lao động tìm việc làm là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Bài và ảnh: THANH THỂ

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga