Phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 từ Nam Phi, Đức chi 200 triệu euro để truy vết

NDO -

Ngày 11-1 đánh dấu lần đầu tiên tại Đức, nhà chức trách phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi. Các thành viên trong một gia đình ở thành phố Bottrop, bang Nordrhein-Westfalen, đã nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 sau khi một người trong gia đình tới Nam Phi trước dịp Giáng sinh.

Một số quan chức tới thăm Bệnh viện đại học Giessen và Marburg (Đức). (Ảnh: Reuters)
Một số quan chức tới thăm Bệnh viện đại học Giessen và Marburg (Đức). (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, người đàn ông này đã tới Nam Phi vì lý do công việc và trở về Đức ngày 15-12-2020. Khi về tới sân bay, người này đã được xét nghiệm sàng lọc và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, không lâu sau đó, người này có những biểu hiện điển hình của người mắc Covid-19 và kết quả xét nghiệm lần hai cho kết quả dương tính.

Tuy thực hiện tự cách ly tại nhà, nhưng người này vẫn lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình. Hiện người đàn ông đã khỏe trở lại và sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình cũng tiến triển tốt. Tất cả vẫn đang thực hiện cách ly tại nhà riêng. Những người đã tiếp xúc với các thành viên trong gia đình cũng đã được thông báo.

Do nghi người đàn ông bị nhiễm biến thể virus từ Nam Phi, giới chức y tế thành phố Bottrop đã lấy mẫu xét nghiệm để gửi lên bệnh viện Charité ở Berlin và kết quả xác nhận người này đã nhiễm biến thể virus từ Nam Phi.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), không có dấu hiệu cho thấy biến thể được phát hiện ở Nam Phi khiến bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine, nhưng biến thể có tốc độ lây nhiễm cao hơn virus gốc. Chính phủ liên bang Đức thông báo sẽ chi 200 triệu euro để hỗ trợ các phòng xét nghiệm nâng cao năng lực trong việc truy tìm biến thể mới phát hiện ở Anh và Nam Phi trong thời gian tới.

Trong 24 giờ qua, các cơ sở y tế Đức ghi nhận có thêm 11 hơn ca nhiễm mới và gần 500 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 1,93 triệu ca và 41.281 ca tử vong. 

Cùng ngày 11-1, Bộ Y tế Đức xác nhận lô hàng đầu tiên gồm 60 nghìn liều vaccine Moderna (Mỹ) đã được chuyển tới Đức. Hiện chưa rõ số vaccine này sẽ được phân phối như thế nào tới các bang ở Đức. Trong khi đó, công ty BioNTech của Đức cũng thông báo kế hoạch tăng cường sản xuất vaccine trong năm 2021. Cụ thể, BioNTech sẽ tiếp tục hợp tác với công ty Mỹ Pfizer để sản xuất tới hai tỷ liều vaccine trong năm nay, cao hơn nhiều so với con số 1,3 tỷ liều được biết cho tới nay.

Mức độ lây nhiễm của virus SARS-Cov-2 tại châu Âu không có dấu hiệu giảm. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến thể của virus SARS-Cov-2 tại Anh.

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu, kể từ ngày 11-1, Bỉ, Hà Lan và Slovenia sẽ trở thành những quốc gia mới cung cấp vật tư y tế theo Cơ chế bảo vệ dân sự EU (rescEU). Ngoài ra, một trung tâm dự trữ y tế thứ hai sẽ được triển khai tại Đức. 

Phát biểu về việc mở rộng các kho dự trữ trên, Ủy viên Quản lý Khủng hoảng châu Âu Janez Lenarčič cho biết: “Covid-19 vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe vào năm 2021 và kể từ năm ngoái, chúng ta đã biết rằng EU không bao giờ để mất cảnh giác. Với bốn kho dự trữ y tế bổ sung của (rescEU) ở Bỉ, Đức, Hà Lan và Slovenia, EU đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương và nhân viên y tế sẽ nhận được thiết bị cần thiết để bảo vệ và duy trì hệ thống y tế hoạt động tốt trên khắp lục địa”. 

Hiện có chín quốc gia thành viên lưu trữ kho thiết bị y tế chung của châu Âu. Nguồn cung cấp hiện có hơn 65 triệu khẩu trang y tế và 15 triệu khẩu trang FFP2, FFP3; hơn 280 triệu đôi găng tay y tế; gần 20 triệu áo bảo hộ y tế cùng hàng nghìn máy thở.

Dự trữ y tế (rescEU) bao gồm các loại thiết bị y tế khác nhau, như khẩu trang hoặc máy thở y tế được sử dụng trong chăm sóc đặc biệt. Nguồn dự trữ do Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Slovenia, Thụy Điển và Hà Lan chịu trách nhiệm mua sắm. Ủy ban châu Âu tài trợ liên quan đến lưu trữ và vận chuyển. Trung tâm Điều phối ứng phó khẩn cấp EU điều hành việc phân phối nguồn cung cấp, đảm bảo đến nơi cần thiết nhất, dựa trên nhu cầu của các quốc gia yêu cầu EU hỗ trợ theo Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 12-1 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 91.298.896 ca mắc, 1.952.119 ca tử vong    

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 23.139.465 ca mắc, 385.260 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.479.913 ca mắc, 151.364 ca tử vong
3. Brazil: 8.133.833 ca mắc, 203.617 ca tử vong
4. Nga: 3.425.269 ca mắc, 62.273 ca tử vong
5. Anh: 3.118.518 ca mắc, 81.960 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 836.718 ca mắc, 24.343 ca tử vong 
2. Philippines: 489.736 ca mắc, 9.416 ca tử vong
3. Myanmar: 138.224 ca mắc, 555 ca tử vong 
4. Malaysia: 131.186 ca mắc, 2.858 ca tử vong  
5. Singapore: 58.929 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 10.547 ca mắc, 67 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.515 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 392 ca mắc
9. Brunei: 173 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 26.408.857 ca mắc, 556.812 ca tử vong 
2. Châu Âu: 26.155.298 ca mắc, 593.367 ca tử vong
3. Châu Á: 21.555.862 ca mắc, 349.449 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 14.033.622 ca mắc, 377.916 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.095.419 ca mắc, 73.491 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 49.117 ca mắc, 1.069 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba