Pháp và Italy “hâm nóng” quan hệ song phương

Tổng thống Pháp E.Macron vừa có chuyến thăm chính thức Italy, ngay sau khi chính phủ mới tại Italy được thành lập. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc “hâm nóng” mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng, vốn bị nguội lạnh trong thời gian gần đây do những bất đồng liên quan vấn đề người di cư.

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Italy họp báo sau hội đàm. Ảnh REUTERS
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Italy họp báo sau hội đàm. Ảnh REUTERS

Tổng thống Pháp E.Macron là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Roma kể từ khi Chính phủ Thủ tướng G.Conte được thành lập mới đây. Nội dung chuyến thăm chính thức của ông E.Macron tập trung vào các vấn đề người di cư, tình hình Lybia và hợp tác kinh tế song phương. Trong đó, vấn đề người di cư là trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo.

Giới chuyên gia nhận định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, giúp cải thiện quan hệ song phương vốn gặp nhiều sóng gió trong một năm gần đây, giữa Italy và Pháp. Mặc dù diễn ra chớp nhoáng trong vài giờ nhưng chuyến thăm đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong vấn đề người di cư, được đánh giá là nút thắt quan trọng, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây rạn nứt quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng. Italy thường chỉ trích các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), trong đó có Pháp, đã không thực thi các biện pháp cần thiết để hỗ trợ Roma đối phó hàng trăm nghìn người di cư vượt biển trong những năm gần đây để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất cùng nỗ lực gỡ nút thắt nêu trên. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống E.Macron và Thủ tướng G.Conte khẳng định lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh sẽ chung tay xây dựng một cơ chế chung của châu Âu nhằm tiếp nhận, phân phối và quản lý dòng người di cư một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho rằng, EU cần thay đổi toàn diện hệ thống tiếp nhận và phân bổ người tị nạn hiện nay. Tổng thống Pháp khẳng định sẵn sàng ủng hộ việc sửa đổi Thỏa thuận Dublin. Theo thỏa thuận này, người tị nạn phải đăng ký thủ tục tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến và quốc gia đó có trách nhiệm xử lý yêu cầu xin tị nạn. Vì vậy, với vị trí cửa ngõ châu Âu, từ nhiều năm nay, Italy đã phải gồng mình tiếp nhận dòng người di cư khổng lồ từ khu vực Trung Ðông và Bắc Phi vượt Ðịa Trung Hải ồ ạt tràn vào “lục địa già”. Tổng thống Pháp thừa nhận, đó là một gánh nặng “bất công” đối với Roma và EU cần sửa đổi Thỏa thuận Dublin để các nước thành viên san sẻ gánh nặng người tị nạn với các quốc gia tuyến đầu. Hai nhà lãnh đạo Pháp và Italy nhất trí sẽ “kề vai sát cánh” nhằm thúc đẩy việc sửa đổi diễn ra nhanh chóng.

Ðối với chính phủ mới tại Italy, chuyến thăm của Tổng thống Pháp mang lại tín hiệu tích cực không chỉ đối với quan hệ song phương, mà cả nỗ lực của Roma trong việc giải bài toán người di cư. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng G.Conte đã tuyên bố, việc sửa đổi Thỏa thuận Dublin là một trong ba ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới tại Italy. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, diễn ra chỉ một ngày sau khi Quốc hội Italy thông qua chính phủ mới, ông G.Conte cũng chọn đến Brussels (Bỉ), với trọng tâm thảo luận cùng các nhà lãnh đạo châu Âu là vấn đề người di cư. Vì vậy, cam kết của Pháp về việc sẽ cùng Italy giải quyết vấn đề người di cư, được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với Roma.

Kết quả tích cực đạt được trong chuyến thăm Italy của Tổng thống Pháp E.Macron chỉ là bước khởi đầu trong tiến trình giải quyết những bất đồng tồn tại giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin tưởng, những khúc mắc sẽ dần được tháo gỡ, như lời khẳng định của Tổng thống E.Macron, Italy và Pháp có một tình bạn lâu bền và bất cứ căng thẳng nào giữa hai bên cũng có thể được giải quyết.