Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19

NDO -

NDĐT - Ngày 5-6, Giáo sư Jean-François Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Pháp khẳng định rằng dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại nước này dù hằng ngày vẫn còn những trường hợp nhiễm mới được ghi nhận.

Giáo sư Jean-François Delfraissy cho rằng Pháp hiện có đủ phương tiện để ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng. Ảnh: France Inter.
Giáo sư Jean-François Delfraissy cho rằng Pháp hiện có đủ phương tiện để ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng. Ảnh: France Inter.

Phát biểu trên đài France Inter, Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu cơ quan tư vấn cho chính quyền Pháp về kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, cho biết virus corona vẫn tiếp tục lây lan tại một số vùng, nhưng ở tốc độ chậm.

Ông cho biết: Vào đầu tháng 3, trước khi có lệnh phong tỏa, có khoảng 80 nghìn ca nhiễm mỗi ngày, nay ở mức khoảng 1.000-3.000 ca/ngày. Điều đó cho thấy dịch bệnh đã suy giảm đáng kể. Pháp hiện có đủ phương tiện để phát hiện những ca nhiễm mới, cách ly và xác định những người tiếp xúc với người mắc Covid-19 nhằm tránh nguy cơ lây lan rộng và tái bùng phát dịch.

Trước đó vào ngày 4-6, Hội đồng Khoa học đã đề nghị chính quyền Pháp chuẩn bị bốn kịch bản để ứng phó những nguy cơ có khả năng xảy ra trong những tháng tới, từ mức nhẹ nhất là "dịch bệnh được khống chế" khi xuất hiện một vài ổ dịch cho đến kịch bản xấu nhất là "tình hình trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng mất kiểm soát".

Theo đó, Chính phủ Pháp cần chuẩn bị các biện pháp phù hợp với mỗi kịch bản để ứng phó và kiểm soát kịp thời dịch bệnh nhằm tránh phải sử dụng tiếp biện pháp phong tỏa toàn quốc như trong giai đoạn từ ngày 17-3 đến 11-5 vừa qua. Do đó, các biện pháp ứng phó phải được chuẩn bị nay từ bây giờ để có thể triển khai ngay trong trường hợp cần thiết.

Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 ảnh 1

Quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách được duy trì nghiêm ngặt trên các phương tiện giao thông công cộng ở Pháp. Ảnh: Le Parisien.

Giáo sư Delfraissy cho rằng dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không thể áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa diện rộng tại Pháp. Lý do là vì người dân sẽ khó chấp nhận. Ông nói: « Lần phong tỏa đầu tiên là cần thiết vì nước Pháp không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên cái giá phải trả là quá lớn, nhất là thiệt hại kinh tế ».

Các chuyên gia y tế cho rằng về mặt khoa học, virus corona chủng mới sẽ "rút đi" trong những tháng mùa hè và có thể xuất hiện trở lại trong làn sóng thứ 2 vào mùa thu. Giáo sư Delfaissy nói: "Nếu nhìn lại lịch sử của các đợt dịch virus liên quan đến đường hô hấp ở châu Âu, chúng ta có thể thấy 8/10 đợt dịch chấm dứt trong mùa hè. Và có 5/10 đợt dịch tái bùng phát vào mùa thu. Do đó chúng ta phải hết sức cảnh giác”.

Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, tổng số ca tử vong ở nước này đã lên tới 29.065 tính tới ngày 4-6, chỉ sau Anh (39.904) và Italy (33.689). Số bệnh nhân cần điều trị tích cực giảm liên tục trong những ngày qua, xuống còn 1.163. Có thêm 767 ca nhiễm mới và 195 người phải nhập viện.

Sau gần bốn tuần nới lỏng lệnh phong tỏa, hoạt động trên các lĩnh vực ở Pháp đang dần hồi phục. Do lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch, Chính quyền Pháp tiếp tục duy trì một số biện pháp chống dịch như cấm tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng, đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 1m. Nhân viên văn phòng tiếp tục duy trì giải pháp làm việc từ xa để tránh tình trạng đổ dồn đến các nơi đô thị.

Ngày 4-6, Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp cho biết sẽ huy động thêm 40 tỷ euro để hỗ trợ về ngân sách, thanh khoản, bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực gặp khó khăn nhất như công nghiệp ô-tô, du lịch và hàng không. Gói hỗ trợ này được đưa vào dự thảo ngân sách sửa đổi (lần 3) để trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét trong tuần tới.

Theo Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gérald Darmanin, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2020 dự kiến sẽ ở mức 11,4% GDP (so với 2% năm 2019), nợ công có thể ở mức 120,9%. Tiêu dùng giảm 10%, đầu tư giảm 19% và xuất khẩu giảm 12% trong năm nay. Dù vậy, Chính phủ Pháp cho rằng tình hình vẫn trong tầm quyền soát và tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế. Sau khi đưa ra kế hoạch cứu trợ 18 tỷ euro cho lĩnh vực du lịch, 8 tỷ euro cho ngành sản xuất ô-tô trong thời gian tới, Chính phủ Pháp cũng dự kiến có các biện pháp hỗ trợ các lĩnh vực khác như công nghệ, hàng không và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dịch bệnh ở Pháp cũng như các nước châu Âu đang có chiều hướng suy giảm rõ rệt, mang lại hy vọng cho người dân trong khu vực về việc đi nghỉ hè. Ngày 5-6, Bộ trưởng Nội vụ của các nước EU tham gia cuộc họp trực tuyến đề bàn về việc mở cửa biên giới. Chính quyền Pháp muốn biên giới giữa các nước EU mở cửa trở lại từ ngày 15-6 và biên giới khối Schengen mở cửa trở lại từ ngày 1-7.