Phản đối sự can thiệp bên ngoài vào Libya

Theo Reuters và TTXVN, ngày 15-1, tại cuộc họp diễn ra ở Cairo (Ai Cập), Nghị viện A-rập ra nghị quyết bày tỏ phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya. Nghị quyết nêu rõ: “Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình Libya vốn đã phức tạp lại càng trở nên rắc rối và sẽ kích động xung đột, chia rẽ giữa các bên”. Nghị viện A-rập cũng chỉ trích việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho phép triển khai các lực lượng của Ankara tới Libya; đồng thời khẳng định ủng hộ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Libya.

★ Ngày 15-1, Ðặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya G.Salame đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA)

F.Serraj và ông S.William - Phó đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề chính trị, để thảo luận về lệnh ngừng bắn và việc chuẩn bị cho hội nghị về Libya diễn ra tại Berlin cuối tuần này.

★ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ðức cho biết, Berlin hy vọng các nước được mời tham dự hội nghị về Libya có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy tiến trình đàm phán tại quốc gia Bắc Phi này. Ðức đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị.

★ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, còn quá sớm để nói rằng liệu một thỏa thuận ngừng bắn ở Libya có sụp đổ hay không, sau khi Tướng K.Haftar lãnh đạo lực lượng ở miền đông Libya không ký thỏa thuận ngừng bắn trong các cuộc đàm phán diễn ra tại Nga mới đây. Ankara khẳng định tiếp tục chờ đợi kết quả ngoại giao của Nga nhằm đạt một lệnh ngừng bắn tại Libya.

★ Tổng thống Mỹ D.Trump ngày 15-1 đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan về tình hình Libya. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Macron cho rằng, hội nghị tại Berlin nhằm thảo luận cuộc khủng hoảng Libya sẽ hữu ích. Các nước cam kết sẽ hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài và thúc đẩy hòa giải ở Libya.