PAHO: làn sóng Covid-19 mới tại châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn

NDO -

Ngày 31-3, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành ở châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây như, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Tiêm vaccine của Sinovac tại Brazil, ngày 24-3. (Ảnh: AP)
Tiêm vaccine của Sinovac tại Brazil, ngày 24-3. (Ảnh: AP)

Phát biểu ý kiến tại một cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho rằng, số ca mắc mới ở khu vực châu Mỹ sẽ tăng lên một cách đáng lo ngại, thậm chí là tại cả các nước đã vượt qua làn sóng Covid-19 thứ nhất, nếu không có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Theo bà Etienne, việc các nước ở bán cầu nam vừa kết thúc kỳ nghỉ hè, các gia đình và bạn bè gặp gỡ, hội họp đông người là một trong những nguyên nhân khiến sự lây lan của Covid-19 tiếp tục lan rộng. Do đó, chính phủ các nước cần phải cẩn trọng trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.

Bà Etienne nhấn mạnh, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Brazil khi số ca mắc bệnh mới và tử vong tăng đột biến và tỷ lệ sử dụng của các khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện chiếm tới 80%.

Thống kê của Worldometers cho thấy, hai nước có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới là Mỹ và Brazil. Đáng chú ý, trong tháng vừa qua, Brazil đã nhiều lần vượt Mỹ về số ca mắc mới và tử vong tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất thế giới, lần lượt là 89.200 và 3.950.

PAHO cũng xác định có ít nhất là một trong ba biến thể của SARS-CoV-2 có sức lây lan mạnh hơn nhiều tại 32 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Mỹ. Ngoài ra, Viện Butantan của Brazil cũng vừa phát hiện ra một biến thể mới tương tự chủng đã được phát hiện ở Nam Phi.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, đến nay mới chỉ có 124 triệu người ở khu vực châu Mỹ được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi 58 triệu người đã hoàn tất cả hai liều vaccine. Bà Etienne thừa nhận, việc cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực đến nay vẫn là thách thức lớn nhất của PAHO, đồng thời kêu gọi các nước có thừa vaccine nên chia sẻ với các nước khác.

* Theo số liệu từ Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), Liên hiệp châu Âu (EU) đã không đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 80% người từ 80 tuổi trở lên và nhân viên điều dưỡng vào cuối tháng 3 vừa qua. Số liệu mới nhất do ECDC công bố hôm qua cho biết, có 59,8% người hơn 80 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên. Tỷ lệ này là 50,6% ở Bỉ và chỉ có 17,7% người dân Bỉ được tiêm chủng đầy đủ. Các tỷ lệ này ở nhân viên điều dưỡng lần lượt là 60,1% và 47%.

Bất chấp những nỗ lực phân phối liều lượng vaccine một cách công bằng giữa 27 quốc gia thành viên EU, tỷ lệ tiêm chủng vẫn rất khác nhau. Malta đã tiêm mũi đầu tiên cho 95% những người hơn 80 tuổi. Các quốc gia như Ireland và Phần Lan đang đạt được mục tiêu của EU, nhưng ở Bulgaria, việc tiêm chủng cho đến nay mới chỉ đạt 5% đối tượng này.

Khoảng cách này phần lớn được giải thích bởi sự khác biệt trong các chiến dịch tiêm chủng. Bulgaria đã không đặt việc tiêm chủng cho người hơn 80 tuổi lên làm ưu tiên. Các số liệu cũng khó so sánh vì không phải tất cả các quốc gia thành viên đều gửi dữ liệu đầy đủ hoặc thường xuyên cập nhật.

Ủy ban châu Âu (EC) bảo đảm rằng nguồn cung cấp vaccine đủ đáp ứng mục tiêu. Chính các quốc gia thành viên đề ra các chiến lược tiêm chủng của họ. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, vào cuối tuần này, các nước thành viên sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vaccine bao gồm 67,2 triệu liều của BioNtech/Pfizer, 29,8 triệu liều của AstraZeneca và 9,8 triệu liều của Moderna.

* Sau khi điều tra mối liên hệ giữa vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và hiện tượng hình thành huyết khối sau khi tiêm, các chuyên gia cho biết không phát hiện yếu tố nguy cơ cụ thể nào như tuổi tác, giới tính hay tiền sử bệnh lý. Kết luận trên được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) công bố sau cuộc họp với các chuyên gia ngày 29-3 về phát hiện mới trong cuộc điều tra 62 trường hợp xuất hiện huyết khối hiếm gặp sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.

EMA khẳng định dựa trên những kiến thức khoa học hiện nay, không có bằng chứng để hạn chế sử dụng vaccine của AstraZeneca đối với bất cứ nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, EMA nêu rõ, ủy ban an toàn của cơ quan này đang phân tích bổ sung và dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị mới nhất về vaccine của AstraZeneca trong cuộc họp hằng tháng diễn ra vào tuần tới.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 1-4 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 129.453.706 ca mắc, 2.827.420 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 31.166.307 ca mắc, 565.254 ca tử vong
2. Brazil: 12.753.258 ca mắc, 321.886 ca tử vong
3. Ấn Độ: 12.220.669 ca mắc, 162.960 ca tử vong
4. Pháp: 4.644.423 ca mắc, 95.640 ca tử vong
5. Nga: 4.545.095 ca mắc, 98.850 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.511.712 ca mắc, 40.858 ca tử vong 
2. Philippines: 747.288 ca mắc, 13.297 ca tử vong
3. Malaysia: 345.500 ca mắc, 1.272 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.434 ca mắc, 3.206 ca tử vong  
5. Singapore: 60.381 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 28.863 ca mắc, 94 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.603 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 2.440 ca mắc, 11 ca tử vong
9. Brunei: 210 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 39.609.225 ca mắc, 913.171 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 35.875.284 ca mắc, 565.254 ca tử vong 
3. Châu Á: 28.490,944 ca mắc, 428.059 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 21.168.897 ca mắc, 552.665 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.251.595 ca mắc, 113.036 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 57.040 ca mắc, 1.142 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba