Thế giới ngày qua

Pa-le-xtin: Nêu điều kiện hòa đàm với I-xra-en

Roi-tơ và TTXVN ngày 15-7 đưa tin, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn tối 14-7, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát thông báo chính quyền Pa-le-xtin sẵn sàng nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ nếu I-xra-en dừng kế hoạch sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây.

Nhà lãnh đạo Pa-le-xtin khẳng định, nhiều nước cần bảo trợ các cuộc hòa đàm với I-xra-en và cuộc đàm phán này phải dựa trên các nghị quyết quốc tế. Về phần mình, ông B.Giôn-xơn khẳng định, Chính phủ Anh ủng hộ Pa-le-xtin đạt được hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước và phản đối kế hoạch của I-xra-en sáp nhập các vùng đất của Pa-le-xtin. Trong khi đó, Ðài Phát thanh quân đội I-xra-en đưa tin Chủ tịch Quốc hội I-xra-en Y.Le-vin thừa nhận Mỹ hiện chưa có ý định ủng hộ kế hoạch của I-xra-en sáp nhập 30% diện tích Bờ Tây. Theo ông Y.Le-vin, kế hoạch sáp nhập này có khả năng phải hoãn lại.

Áp-ga-ni-xtan: Mỹ thực hiện thỏa thuận rút quân

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quốc gia này đã rút binh lính từ năm căn cứ quân sự tại Áp-ga-ni-xtan về nước và duy trì quân số trong khoảng 8.000 quân. Người phát ngôn Lầu năm góc G.Hốp-man cho biết, Mỹ đã bàn giao lại năm căn cứ quân sự cho Áp-ga-ni-xtan. Ông G.Hốp-man cũng kêu gọi tất cả các bên giảm xung đột bạo lực và tham gia tiến trình đàm phán nội bộ để hướng tới một thỏa thuận vì nền hòa bình lâu dài cho Áp-ga-ni-xtan. Khoảng 2.400 binh lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, một trong những chiến dịch can thiệp quân sự nước ngoài lâu nhất lịch sử Mỹ.

EU: Chia rẽ về ứng phó biến đổi khí hậu

Sau cuộc họp trực tuyến ngày 13 đến 14-7, các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn bị chia rẽ về quy mô cắt giảm khí thải cần thực hiện trong thập kỷ tới, với một số nước vẫn ngần ngại trong việc cam kết siết chặt hơn. EU từng cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990 vào năm 2030. Tuy nhiên, Ba Lan, Xlô-va-ki-a, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Séc và Hung-ga-ri khẳng định không hỗ trợ cho một mục tiêu mới trước khi đánh giá về tác động. Trong khi đó, Tây Ban Nha, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Phần Lan, Hà Lan, Áo sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu cắt giảm lượng khí thải ít nhất là 55% vào năm 2030.

A-déc-bai-gian: Căng thẳng biên giới với Ác-mê-ni-a

Các lực lượng của Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian tiếp tục đụng độ, sử dụng pháo hạng nặng và máy bay không người lái, khiến ít nhất 16 người chết ở cả hai phía. Bộ Quốc phòng A-déc-bai-gian cho biết, hai sĩ quan cao cấp đã chết trong cuộc đụng độ ngày 14-7 cùng năm quân nhân khác. Ðây là diễn biến mới nhất giữa hai quốc gia thuộc vùng Cáp-ca-dơ. A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng chục năm liên quan khu vực tranh chấp Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam của A-déc-bai-gian, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Ác-mê-ni-a sinh sống cho nên muốn ly khai để sáp nhập vào Ác-mê-ni-a.