Nước Mỹ đối mặt với một mùa đông khốc liệt

NDO -

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ Robert Redfield cảnh báo, quãng thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021 có thể là “thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng của quốc gia này”.

Giường bệnh bên trong gara tại Trung tâm Y tế vùng Renown, tại bang Nevada. (Ảnh: Reuters)
Giường bệnh bên trong gara tại Trung tâm Y tế vùng Renown, tại bang Nevada. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Redfield, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay và số ca tử vong do Covid-19 duy trì ở mức trên dưới 2.500 ca/ngày, tổng số người tử vong tại Mỹ có thể lên tới gần 450 nghìn ca trong tháng 2-2021. 

Có tới hơn 100 nghìn người mắc Covid-19 được điều trị tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ trong ngày 2-12. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này đầu năm 2020. Dịch bệnh tại Mỹ diễn biến xấu đi trong lúc hệ thống y tế của nước này đang chịu sức ép rất lớn, các bệnh viện thiếu giường bệnh, bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đang phải làm việc quá sức.

Số người bệnh Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện cho thấy phạm vi và mức độ khốc liệt của giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Theo dự án Truy vết Covid do các nhà báo của Tạp chí Atlantic (Mỹ) thực hiện, trước đây số người mắc Covid-19 nhập viện chưa bao giờ vượt ngưỡng 60 nghìn người. 

Trên khắp nước Mỹ, các hệ thống y tế đang hoạt động gần hết hoặc tối đa công suất để ứng phó dịch bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Mayo Clinic đang có kế hoạch bố trí các giường bệnh cấp cứu trong gara để xe cứu thương. Bang Rhode Island đã mở một bệnh viện dã chiến tại TP Cranston. Trong khi đó, bang New York đang tìm cách tăng cường năng lực tiếp nhận người bệnh.

Cùng ngày, CDC cũng khuyến cáo người dân không nên đi du lịch trong các kỳ nghỉ lễ dài sắp tới, đồng thời đưa ra hai phương án rút ngắn thời gian cách ly đối với những người có thể đã tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm virus SARS-COV-2, đặc biệt là những người đi du lịch.

Trước đó, giới chức y tế nước này cảnh báo về sự bùng nổ số ca mắc mới do các hoạt động di chuyển trong dịp lễ hội và do sự mệt mỏi của người dân sau thời gian thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế.  

Cụ thể, sau khi có nguy cơ phơi nhiễm, người không có triệu chứng mắc Covid-19 có thể kết thúc cách ly sau 10 ngày mà không cần làm xét nghiệm, còn người có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ trải qua bảy ngày cách ly. 

Ông Henry Walke, một quan chức của CDC cho rằng, rút ngắn thời gian cách ly có thể giúp mọi người dễ dàng tuân thủ các biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hơn thông qua giảm gánh nặng về kinh tế liên quan đến thời gian cách ly, đặc biệt là trong trường hợp người lao động không thể làm việc trong thời gian cách ly. Ông lưu ý, người tiếp xúc với nguồn bệnh vẫn phải theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày. CDC đưa ra thông báo về việc rút ngắn thời gian cách ly dựa trên phân tích nghiên cứu và dữ liệu mới.

Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến cáo người tiếp xúc với nguồn bệnh Covid-19 nên cách ly trong 14 ngày vì đây là cách tốt nhất để giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo người có nguy cơ lây nhiễm nên cách ly trong 14 ngày.

Trước những thông tin tích cực về vaccine ngừa Covid-19 gần đây, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh lây nhiễm, cảnh báo rằng, vaccine được phân phối không đồng nghĩa với sự chấm dứt của đại dịch và tiêm vaccine có hiệu quả cao không đồng nghĩa với việc hoàn toàn loại bỏ các biện pháp y tế cộng đồng.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trước khi vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn, ông kêu gọi tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ông Fauci lưu ý rằng, hiện chưa rõ tác động (nếu có) của vaccine đối với việc lây truyền virus SARS-CoV-2. 

Theo Worldometers, với 14.314.265 ca mắc và 279.867 ca tử vong tính đến ngày 2-12, Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba