Nỗ lực phục hồi khu vực Sen-ghen

Hiệp ước Sen-ghen, một biểu tượng về sự đoàn kết, hội nhập và thống nhất của Liên hiệp châu Âu (EU), nay đang bộc lộ những “lỗ hổng” trước sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhiều nước châu Âu tái kiểm soát biên giới để ngăn chặn dịch đã đe dọa nghiêm trọng tương lai của hiệp ước đi lại tự do này. EU đang nỗ lực tìm giải pháp để cứu Hiệp ước Sen-ghen và cũng để duy trì thành tựu đáng tự hào về một châu Âu “không biên giới”. 

Cảnh sát Áo kiểm soát hoạt động đi lại ở khu vực biên giới Áo - Ðức. Ảnh Roi-tơ
Cảnh sát Áo kiểm soát hoạt động đi lại ở khu vực biên giới Áo - Ðức. Ảnh Roi-tơ

Khu vực Sen-ghen, nơi người dân có thể tự do qua lại các nước mà không cần thị thực, bao gồm hầu hết các nước EU, cùng Na Uy, Thụy Sĩ, Ai-xơ-len và Lích-ten-xtai. Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) G.Giăng-cơ từng nhấn mạnh, Hiệp ước đi lại tự do Sen-ghen là một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang là nguyên nhân chính khiến Hiệp ước Sen-ghen đình trệ và đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ðể ngăn chặn dịch bệnh tràn vào quốc gia mình, lãnh đạo nhiều nước trong khu vực Sen-ghen đã có chính sách thắt chặt biên giới. Ðức, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, đã đơn phương đóng cửa một phần biên giới với Cộng hòa Séc và Áo. Ðan Mạch cũng thông báo đóng một số cửa khẩu với Ðức. EC mới đây chính thức cảnh báo sáu quốc gia thành viên EU, gồm Bỉ, Ðan Mạch, Phần Lan, Ðức, Hung-ga-ri và Thụy Ðiển, rằng các biện pháp hạn chế biên giới mà những nước này đơn phương áp đặt có thể phá vỡ hoạt động di chuyển tự do và chuỗi cung ứng trong khối. Có thể thấy, sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2 cùng những biến thể mới của vi-rút này đang giáng một đòn mạnh vào niềm mong ước xây dựng một châu Âu không biên giới. Một châu Âu luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sau khi cơn bão Covid-19 quét qua, đã trở thành khu vực “mạnh ai nấy lo”.

Thời gian qua, các nhà lãnh đạo EU đã nỗ lực tìm giải pháp phục hồi khu vực tự do đi lại này. Tại một diễn đàn nhằm trao đổi các sáng kiến đưa khu vực Sen-ghen phát triển mạnh mẽ và năng động hơn sau những tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, các đại biểu nhấn mạnh, bất kỳ quyết định áp đặt kiểm soát biên giới nội khối nào trong thời gian tới đều chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian giới hạn. Các nhà lãnh đạo EU cũng bàn thảo về ứng dụng công cụ kỹ thuật số hiện đại để kiểm soát khu vực biên giới ngoài Sen-ghen, tăng cường sự phối hợp giữa các ứng dụng công nghệ với lực lượng cảnh sát để bảo đảm an ninh biên giới nội khối… Hiện tại, EC đang đưa ra những đề xuất để các nước thành viên trong khối Sen-ghen khó áp đặt các rào cản đi lại hơn.

Trên thực tế, những năm qua, Hiệp ước Sen-ghen từng không ít lần bộc lộ điểm yếu trước những cuộc khủng hoảng tại “lục địa già”. Việc các phiến quân lợi dụng tính tự do của Hiệp ước Sen-ghen để di chuyển từ nước này sang nước khác, tiến hành các vụ tiến công khủng bố đã phơi bày những “lỗ hổng” của hiệp ước, khi mà việc phối hợp chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước vẫn chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, dòng người di cư chạy trốn chiến tranh, đói nghèo ở khu vực Trung Ðông, Bắc Phi cũng đẩy châu Âu vào cảnh lúng túng. Các nước tại “lục địa già” vẫn đang tranh cãi gay gắt về chính sách mở cửa với làn sóng di cư. Và hiện tại, trước sự càn quét của đại dịch Covid-19, các nước áp đặt quy định hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh một lần nữa đặt Hiệp ước Sen-ghen trước thách thức lớn. Tổng thống Pháp E.Ma-crông thậm chí nhận định rằng, hồi kết của khu vực Sen-ghen đang ở tương lai gần.

Chủ tịch EC U.Lây-en bày tỏ tin tưởng, những tác động của dịch Covid-19 là kinh nghiệm quý báu để các nước khu vực Sen-ghen vượt qua giai đoạn khó khăn. Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra là thách thức, song cũng là cơ hội để các quốc gia châu Âu cùng nhau tìm lời giải cho nhiều vấn đề chung, trong đó có việc khôi phục khu vực Sen-ghen và lấp đầy những “lỗ hổng” của hiệp ước, nhằm củng cố khả năng hoạt động của khu vực trước những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.