Nhiều nước mở cửa lại trường học

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 2-3, nhiều nước bắt đầu mở lại trường học để học sinh tới trường sau thời gian học trực tuyến.

Học sinh Hàn Quốc tuân thủ quy định phòng dịch khi đến trường. Ảnh YONHAP
Học sinh Hàn Quốc tuân thủ quy định phòng dịch khi đến trường. Ảnh YONHAP

Sáng 2-3, các trường học ở Hàn Quốc khai giảng năm học mới trong bối cảnh nước này vẫn đang phải chống chọi với làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 và bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng dịch bệnh nguy hiểm này. Năm 2020, lịch khai giảng năm học mới ở Hàn Quốc đã bị hoãn hai lần.

* Chi-lê đã khai giảng năm học mới 2021 sau hơn một năm các trường học đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong bài phát biểu khai giảng năm học mới, Tổng thống Chi-lê X.Pi-nhê-ra nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên trong thời kỳ dịch bệnh.

* Thổ Nhĩ Kỳ đã cho các nhà hàng mở cửa trở lại và học sinh được tới trường. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống R.Éc-đô-gan thông báo khôi phục tình trạng bình thường mới tại nước này, theo đó các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ tại một số khu vực ghi nhận tình hình dịch bệnh cải thiện.

* Hơn 320 trường tiểu học và trung học cơ sở tại Ai-len đã mở cửa đón học sinh trở lại theo đúng kế hoạch. Theo đó, tất cả học sinh tiểu học sẽ đến trường từ ngày 1 đến 15-3; tất cả học sinh trung học trở lại trường từ ngày 12-4.

* Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ cung cấp loại "giấy thông hành xanh" vắc-xin từ tháng 3 này. Ðó là một loại chứng nhận bằng giấy hoặc bằng bản mềm trên điện thoại cho phép chủ nhân của giấy tờ này được vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể thao và nhà hàng. Ðại diện EC cho biết dự luật của EC sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17-3 tới, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại hội nghị cấp cao ngày 25-3.

* Hiện các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và các nhóm vận động hành lang ngành hàng không muốn tài liệu này được coi như "hộ chiếu vắc-xin", cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly. Hầu hết các nước EU, dẫn đầu là Pháp và Ðức, cho rằng thông qua "giấy thông hành xanh" là quá sớm vì hiện tỷ lệ dân số được tiêm vắc-xin là rất ít.

* Tổng thống Xéc-bi-a A.Vu-chích đã phản đối ý tưởng cấp "hộ chiếu vắc-xin". Phát biểu trên kênh truyền hình TV Prva, ông cho rằng loại hộ chiếu này là vô nghĩa và "phản châu Âu" vì sẽ gây ra sự phân biệt đối xử.

* Nhiều nước Trung và Ðông Âu đang phải đối mặt với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19 khi đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong. Trong bối cảnh này, chính phủ các nước trong khu vực đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định y tế và đoàn kết chống dịch bệnh.

* Bộ trưởng Y tế Ba Lan nhận định tình hình dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng bên ngoài biên giới Ba Lan, nhất là ở phía nam. Vì vậy, Ba Lan quyết định áp dụng biện pháp cách ly đối với những người đến từ Séc và Xlô-va-ki-a. Chính phủ Ba Lan cũng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng.

* Séc đã ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới/triệu dân mỗi ngày. Thủ tướng Séc A.Ba-bít đánh giá tình hình dịch bệnh tại nước này "cực kỳ nghiêm trọng", lưu ý rằng các biện pháp chống dịch hiện có phải được thắt chặt. Chính phủ Séc tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp mới trong 30 ngày.

* Tại Áo, chính phủ nước này đã áp đặt hai đợt phong tỏa liên tiếp để kiềm chế đại dịch, trong khi thiệt hại về kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Dưới áp lực đó, Chính phủ Áo đã thận trọng thực hiện nới lỏng phong tỏa ở một số khu vực, trong khi vẫn duy trì các hạn chế ở những khu vực khác.

* Trong khi đó, Hung-ga-ri tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế hiện tại cho đến ngày 15-3. Các hạn chế bao gồm giới nghiêm từ 8 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; bắt buộc đeo khẩu trang; đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim và khách sạn...

* Trong bốn đến sáu tuần tới, Pháp sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm cùng các biện pháp phong tỏa như đóng cửa quán rượu, nhà hàng và viện bảo tàng, để bảo vệ những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Y tế Pháp bày tỏ hy vọng sau thời gian nêu trên sẽ không cần phải thực hiện thêm các biện pháp phòng dịch khác.

* Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) M.Rai-ân nhận định đại dịch Covid-19 đang được khống chế, song sẽ là phi thực tế khi cho rằng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút bày tỏ lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới tại châu Âu, châu Mỹ, Ðông - Nam Á và khu vực Ðịa Trung Hải.

* Liên quan chương trình COVAX, WHO đặt mục tiêu công tác tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ triển khai tại tất cả các nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Dự kiến trong tuần này, sẽ có thêm 11 triệu liều vắc-xin được phân phối tới các nước thông qua COVAX và đến cuối tháng 5-2021, sẽ có 237 triệu liều vắc-xin được phân phối cho 142 nền kinh tế tham gia chương trình này.