Nhiều ngành kinh tế Lào gặp khó khăn do Covid-19

NDO -

NDĐT - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế Lào đang gặp nhiều khó khăn, trong đó ngành du lịch bị thiệt hại nặng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, số lượng lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động Lào tại Thái Lan sau khi đã về nước lại càng tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế Lào.

Sau thời gian dài nghiêm cấm người dân ra khỏi nơi cư trú trên phạm vi toàn quốc để chống Covid-19, hiện cuộc sống người dân Lào đã dần trở lại ổn định.
Sau thời gian dài nghiêm cấm người dân ra khỏi nơi cư trú trên phạm vi toàn quốc để chống Covid-19, hiện cuộc sống người dân Lào đã dần trở lại ổn định.

Mới đây, nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp đang tăng cao, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã nhóm họp nhằm tìm kiếm cơ chế giải quyết khẩn cấp vấn đề thất nghiệp đang tăng cao tại Lào. Theo đánh giá, tình trạng thất nghiệp tại Lào từ 2% có thể tăng vọt lên mức 25% trong thời gian tới nếu không kiểm soát được tình hình do các doanh nghiệp sản xuất bị đóng cửa. Ngoài việc tiến hành thăm dò nguyện vọng các lao động bị thất nghiệp do sản xuất bị đình trệ để tìm kiếm biện pháp giải quyết, phía Lào còn xúc tiến hỗ trợ các lao động được cho là khoảng 100 nghìn người từ Lào về, có thể xuất cảnh trở lại Thái Lan được dễ dàng hơn khi hết dịch bệnh Covid-19.

Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, một số tổ chức kinh tế thế giới đánh giá phát triển kinh tế của Lào năm 2020 ở những mức khác nhau như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 3,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 3,6%. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 trên thế giới kéo dài, các nước đối tác thương mại hàng đầu của Lào đều gặp khó khăn về kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan, vì vậy nền kinh tế Lào dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Kikeo Chanthabouly cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế Lào, ước tính tăng trưởng năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,3% đến 3,6%, tuy nhiên phải phụ thuộc dịch bệnh Covid-19 trên thế giới sẽ kiểm soát được sớm hay tiếp tục kéo dài.

Về du lịch, một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất của Lào, có thể mất 350 triệu USD và làm GDP của Lào giảm 2%. Trong khi đó, riêng lĩnh vực xuất khẩu của Lào năm 2020 có thể chỉ đạt 483,3 triệu USD, giảm 8,4% so năm 2019. Theo đánh giá của Bộ Tài chính Lào, dịch bệnh Covid-19 có thể làm cho thu ngân sách giảm khoảng 5 - 7 nghìn tỷ kíp Lào, tương đương với khoảng 20 - 25% kế hoạch thu ngân sách năm 2020 của Chính phủ.

Nhật báo Kinh tế và Thương mại của Lào dẫn số liệu WB mới đây cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế Lào có thể tăng trưởng 1% ở mức cơ bản và có thể giảm xuống thấp nhất ở mức -1,8% trong năm 2020. Bà Mariam Sherman Giám đốc WB tại Lào, Myanmar và Campuchia cho biết, trong giai đoạn thách thức này vấn đề quan trọng của Lào là giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng về kinh tế đối với các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Trong tương lai, nếu Lào giảm bớt những gánh nặng lớn do nợ nước ngoài và việc tiến hành cải cách kinh tế vĩ mô sẽ giúp kinh tế Lào vững mạnh, đối mặt được với các tác động ảnh hưởng tốt hơn.

Một báo cáo của WB dự báo việc tăng trưởng kinh tế Lào giảm sẽ đặc biệt làm ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ. Dịch bệnh Covid-19 lan rộng, tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ làm cho nguồn ngân sách năm 2020 của Lào ngày càng thiếu hụt, kéo theo khoản nợ sẽ tăng lên, khoản dự trữ ngoại tệ sẽ càng giảm xuống.

Dịch bệnh Covid-19 cũng tác động, ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và những khó khăn, sụt giảm nghiêm trọng hiệu suất trên lĩnh vực giao thông, vận tải, du lịch, dịch vụ, khách sạn. Các lĩnh vực này tạo công ăn, việc làm cho khoảng 11% người lao động và chiếm 22% việc làm trong các khu vực đô thị. Ước tính có khoảng 96 nghìn đến 214 nghìn người lao động sẽ rơi vào cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Về ngành may mặc, Lào cũng bị ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh Covid-19 vì việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài giảm và thiếu các đơn hàng từ nước ngoài. Sau khi Chính phủ cho phép mở lại sản xuất thì lại xảy ra tình trạng thiếu lao động, hiện tại, chỉ có khoảng 4 nghìn trong tổng số 26 nghìn công nhân trở lại làm việc. Ông Xaybandith Raxaphon Chủ tịch Hiệp hội may mặc Lào cho biết, hiện nay Lào có khoảng 80 nhà máy, xí nghiệp may mặc thuộc Hiệp hội, trong đó có khoảng hơn 50 nhà máy, xí nghiệp sản xuất để xuất khẩu, số còn lại chủ yếu nhận gia công sản phẩm cho các nhà máy xí nghiệp lớn. Phần lớn các nhà máy, xí nghiệp may mặc do nước ngoài đầu tư, các doanh nghiệp Lào chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các doanh nghiệp may mặc hiện nay.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho việc xuất-nhập khẩu nguyên liệu gặp nhiều khó khăn dẫn đến các nhà máy tại Lào không thể đạt công suất đề ra, đến tháng 4, thực hiện Chỉ thị 06/TTg của Thủ tướng Chính phủ Lào, tất cả các nhà máy, xí nghiệp may mặc phải đóng cửa làm ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.

Sau khi Chính phủ Lào nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội cho phép một số các doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên phải bảo đảm theo các biện pháp và điều kiện do Ban chuyên trách quy định, đến nay mới chỉ có 18 nhà máy, xí nghiệp may mặc hoạt động trở lại.

Có khoảng 7-8 nghìn công nhân may mặc (chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động trong lĩnh vực này) không trở về quê, nhưng chỉ khoảng 3-4 nghìn người đang có việc làm do tình hình hiện nay một số khách hàng đã hủy đơn hàng làm cho các nhà máy, xí nghiệp may mặc không thể tiếp tục sản xuất hoặc không nhận công nhân mới, do sẽ phải cách ly 14 ngày, vì vậy chỉ sử dụng số công nhân vẫn ở lại nhà máy, xí nghiệp trong thời gian đóng cửa.

Mới đây Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết, thời gian qua Lào đã cố gắng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, số bệnh nhân Covid-19 phát hiện tại Lào vẫn dừng ở con số 19, tuy nhiên, dịch bệnh này đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội Lào, trước hết là việc đóng cửa các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động kinh doanh làm cho số lượng lớn người lao động phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng.