Nhiều biện pháp hỗ trợ phục hồi sau dịch

Truyền thông thế giới tiếp tục đưa tin về những gói hỗ trợ ở nhiều nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiêu cực về kinh tế thế giới. 
 

Trong cuộc thảo luận trực tuyến do Hiệp hội các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) tổ chức ngày 6-7, các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nhu cầu và hoạt động xuất khẩu, khiến nhiều nền kinh tế châu Á có thể “tăng trưởng âm” trong năm 2020, song sẽ “tăng trưởng dương” trở lại vào năm tới. IMF khuyến cáo các nước đẩy mạnh cải cách mang tính cơ cấu, nhằm thích ứng môi trường “hậu dịch bệnh” và xử lý các “lỗ hổng chính sách” do dịch Covid-19 gây ra.

* Trong khi đó, trang mạng Mckinsey.com đăng bài viết nhận định tích cực về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Theo bài viết, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và đi đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Năm 2020 là một năm đầy thách thức, nhưng Việt Nam có thể hy vọng, sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ quay lại vào năm 2021 và vị thế Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cũng trở lại khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi. Duy trì thành tích kiềm chế dịch, đồng thời có sự thay đổi cấu trúc phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam không chỉ lấy lại vị thế kinh tế, mà còn tạo động lực cho đà tăng trưởng mới. Hầu hết dự báo đều cho rằng, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2020 và tăng tốc trong năm tới.

* Ngày 5-7, Tổng thống Chi-lê X.Pi-nê-ra công bố gói chính sách mới, trị giá 1,5 tỷ USD, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và tầng lớp trung lưu vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Gói biện pháp cấp các khoản vay không lãi suất, hoãn thời hạn trả nợ tới sáu tháng; hỗ trợ các gia đình về chi phí chỗ ở, học phí cho trẻ em... Trước đó, Chính phủ Chi-lê đã đưa ra hai gói biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, người nghèo và người mất việc làm.

* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn cũng công bố kế hoạch chi gần hai tỷ USD giúp ngành văn hóa, nghệ thuật khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch. Đây là khoản kinh phí lớn nhất từ trước tới nay mà Chính phủ Anh hỗ trợ lĩnh vực này và được phân bổ cho các viện bảo tàng, phòng triển lãm, rạp hát và chiếu phim, các địa điểm di sản và văn hóa, thông qua các chương trình trợ cấp hoặc cho vay ưu đãi.

* Bộ Du lịch Cam-pu-chia cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá Cam-pu-chia là quốc gia được ưu tiên ở khu vực Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương nhận trợ giúp kỹ thuật để khôi phục ngành du lịch sau dịch bệnh. Bộ Du lịch Cam-pu-chia cũng lập kế hoạch chiến lược để khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước...