Thế giới ngày qua

Nhật Bản: Thúc đẩy phê chuẩn thỏa thuận với Mỹ

Thượng viện Nhật Bản khởi động thảo luận về thỏa thuận thương mại Nhật Bản - Mỹ, sau khi Hạ viện thông qua hôm 19-11. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe đang thúc đẩy Thượng viện thông qua văn kiện này trong kỳ họp hiện nay, kết thúc trong tháng 11.

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ, Thủ tướng Abe khẳng định, thỏa thuận thương mại với Mỹ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng cường vai trò quốc tế của Nhật Bản.

Bosnia Herzegovina: Có thủ tướng mới

Hội đồng Tổng thống Bosnia Herzegovina chỉ định nhà kinh tế D.Tegeltija làm thủ tướng mới, phá vỡ bế tắc trong nỗ lực thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10-2018. Quyết định bổ nhiệm ông D.Tegeltija được đưa ra sau khi các nhóm sắc tộc lớn nhất nước này đạt thỏa hiệp về chính phủ và kế hoạch cải cách. Việc thành lập chính phủ mới mở đường để Bosnia Herzegovina khởi động thương lượng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các khoản nợ quốc gia, cũng như đàm phán về gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU).

Israel: Nguy cơ phải bầu cử lại

Chỉ ít giờ trước hạn chót ngày 20-11, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng B.Gantz đã thừa nhận thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Israel, sau khi đối tác là thủ lĩnh A.Lieberman của đảng Israel - Ngôi nhà của chúng ta từ chối tham gia chính phủ. Hồi tháng 10, ông Gantz được Tổng thống R.Rivlin trao quyền lập chính phủ, sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm B.Netanyahu cũng thất bại trong nỗ lực tương tự. Bế tắc trong việc thành lập chính phủ khiến Israel đứng trước nguy cơ phải tổ chức thêm một cuộc tổng tuyển cử, lần thứ ba trong năm 2019.

Australia: Bảo vệ chính sách về khí hậu

Trên truyền hình ABC ngày 21-11, Thủ tướng Australia S.Morrison bác bỏ ý kiến cho rằng, chính sách về khí hậu là nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang xảy ra tại nước này. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, nhận định này không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Người dân và giới khoa học Australia chỉ trích rằng, dù chính phủ cam kết thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, song lượng khí thải tại Australia (hiện chiếm tới 1,3% lượng khí thải toàn cầu) chẳng những không giảm, mà lại có xu hướng tăng mạnh.