Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận tình hình tại Syria

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong cuộc điện đàm ngày 13-2, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng V.Gerasimov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Y.Guler đã thảo luận về diễn biến tại Syria với trọng tâm là tình hình vùng giảm căng thẳng Idlib ở phía tây - bắc. Cuộc điện đàm được tiến hành sau khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đụng độ tại tỉnh Idlib. Hai bên cũng đề cập chương trình nghị sự của Bộ Quốc phòng hai nước liên quan tình hình Syria.

Trẻ em tại trại tị nạn ở tây-bắc Syria. Ảnh REUTERS
Trẻ em tại trại tị nạn ở tây-bắc Syria. Ảnh REUTERS

Nga cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế đưa ra các "tuyên bố khiêu khích" về tình hình Syria. Trong tuyên bố ngày 13-2, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, những bình luận của giới chức Ankara có thể bị hiểu là Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách quy trách nhiệm cho Nga và Chính phủ Syria về các trường hợp quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ chết do đụng độ tại Idlib vừa qua.

* Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng H.Akar khẳng định "sẽ sử dụng vũ lực đối với những đối tượng không tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Idlib". Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quyết định điều thêm xe tăng và pháo tự hành tới khu vực biên giới giáp tỉnh Idlib của Syria. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan dọa tiến công lực lượng chính phủ Syria cả ở ngoài vùng giảm căng thẳng Idlib.

* Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định, tình hình nhân đạo tại tỉnh Idlib hiện tồi tệ nhất, trong cuộc xung đột chín năm qua tại Syria. Từ tháng 12-2019 đến nay, giao tranh tại Idlib đã khiến hơn 800.000 người rời bỏ nhà cửa, khoảng 60% trong số đó là trẻ em.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Idlib, Quốc hội Syria thông qua nghị quyết lên án và công nhận tội ác diệt chủng của Ðế chế Ottoman đối với 1,5 triệu người Armenia bị thảm sát trong giai đoạn 1915-1917. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ, Ankara phản đối Quốc hội Syria công nhận việc người Armenia bị giết hại trong chiến tranh thế giới thứ nhất là tội ác diệt chủng.

* Trong khi đó, Ðức kêu gọi sớm có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria. Trả lời báo chí ngày 13-2, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Maas kêu gọi chấm dứt các cuộc tiến công quân sự tại tỉnh Idlib của Syria; cảnh báo bạo lực gia tăng tại đây có thể kéo theo làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới tới Thổ Nhĩ Kỳ.

* Chính phủ Indonesia yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật thắt chặt an ninh biên giới nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của các phần tử từng tham gia tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Có khoảng 680 công dân Indonesia từng là thành viên IS, gồm cả trẻ em và phụ nữ.