Nga bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine Sputnik Light

NDO -

Phó Thị trưởng phụ trách các vấn đề phát triển xã hội thủ đô Moscow, bà Anastasia Rakova ngày 27-2 cho biết, những tình nguyện viên đầu tiên tham gia chương trình thử nghiệm vaccine một liều ngừa Covid-19 có tên Sputnik Light đã bắt đầu được tiêm chủng tại Thủ đô.

Một sở chỉ huy tác chiến phòng, chống Covid-19 ở Moscow. (Ảnh: Moscow-24)
Một sở chỉ huy tác chiến phòng, chống Covid-19 ở Moscow. (Ảnh: Moscow-24)

Cụ thể, chỉ trong hai ngày đầu triển khai chương trình thử nghiệm vaccine mới này, đã có 490 người được kiểm tra y tế. Bà tin tưởng số đơn đăng ký của các tình nguyện viên sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới.

Phó Thị trưởng Moscow khẳng định, bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể tình nguyện tham gia thử nghiệm, miễn là họ chưa nhiễm Covid-19, chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoặc bất kỳ loại vaccine nào trong thời gian một tháng qua và đặc biệt là không có kháng thể với SARS-CoV-2. Những đối tượng không được khuyến khích tham gia thử nghiệm gồm người bị nhiễm cúm thường trong khoảng 14 ngày, dị ứng với bất cứ thành phần nào của vaccine và người mắc các bệnh mãn tính nặng. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không được tham gia thử nghiệm.

Bên cạnh đó, bà Rakova cho biết thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik V dành cho thanh thiếu niên (dưới 18 tuổi) chỉ có thể bắt đầu sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm cuối cùng được tổng hợp và báo cáo đầy đủ. Bà khẳng định vaccine “Sputnik Light kết hợp với Sputnik V sẽ mang lại nhiều cơ hội tiêm chủng hơn”, với các đối tượng được mở rộng hơn.

Phó Thị trưởng Rakova cũng bày tỏ đặc biệt hy vọng rằng, vấn đề tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi sẽ được giải quyết trong vòng vài ba tháng tới. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, phát triển vaccine đang hoàn thành công tác nghiên cứu, tổng hợp những dữ liệu cần thiết, cũng như tìm ra công nghệ, tính năng, phương pháp lấy mẫu… Chính quyền Moscow cũng đã đề xuất Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mang tên Z.A.Bashlyaeva, là một trong những cơ sở cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Phó Thị trưởng Moscow đồng thời cho biết, hiện các nhà khoa học, phối hợp Viện Gamaleya đang nghiên cứu về tính ổn định của khả năng miễn dịch sau tiêm chủng, từ đó giúp xác định thời điểm những người đã tiêm vaccine ngừa  SARS-CoV-2 cần được tiêm lại. Bà hy vọng công tác này có thể hoàn tất vào khoảng cuối mùa hè tới, từ đó có thể đưa ra kết luận hợp lý hơn về thời hạn bảo vệ tối ưu của vaccine.

Các cuộc thử nghiệm vaccine Sputnik Light sẽ diễn ra đến ngày 28-1-2022. Sputnik Light dựa trên nền tảng vaccine hai liều Sputnik V. Ưu điểm của nó là chỉ cần tiêm phòng một lần và các kháng thể sẽ bắt đầu hình thành trong vòng một tuần và sẽ đạt hiệu quả tối đa chỉ bốn tuần sau khi tiêm chủng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu vaccine tiêm, Moscow cũng có kế hoạch nghiên cứu dạng vaccine nhỏ mũi. Trung tâm Gamaleya đang chuẩn bị hồ sơ để xin phép Bộ Y tế Nga, dự kiến hình thức chủng ngừa này sẽ phù hợp cho những người chống chỉ định tiêm.

Cuộc đua vaccine Covid-19