Nâng cao hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGOs) được đánh giá là một trong những tác nhân quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực gần đây có nhiều biến động, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác về NGOs ở Việt Nam, nhằm thu hút các nguồn lực quốc tế, phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.

Những năm gần đây, căng thẳng địa chính trị, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, xung đột thương mại, bảo hộ mậu dịch… tác động tiêu cực môi trường an ninh, ổn định trên thế giới, đồng thời khiến chính sách viện trợ của NGOs chịu tác động không nhỏ. Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Ðất nước gặt hái những thành tựu đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo, nâng cao các chỉ số phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trong bối cảnh Việt Nam dần trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, NGOs xem xét lại các ưu tiên, cũng như chuyển hướng hoạt động khỏi Việt Nam. Ðiều này đặt ra cho chúng ta không ít khó khăn trong công tác vận động viện trợ nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Ðảng và Nhà nước ta xác định đối ngoại nhân dân, trong đó có mối quan hệ với NGOs, là kênh quan trọng bên cạnh đối ngoại Ðảng và ngoại giao Nhà nước. Thực hiện chủ trương đổi mới và hội nhập, ngoài những nỗ lực cải cách trong nước, Việt Nam cũng huy động tối đa hiệu quả từ các nguồn lực quốc tế, trong đó có hỗ trợ của NGOs.

Theo Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), dù nhiều NGOs có điều chỉnh các mục tiêu ưu tiên, song hằng năm vẫn có khoảng 30 tổ chức mới đến Việt Nam. Ðến nay, Việt Nam có quan hệ với khoảng 1.200 NGOs, trong đó hơn 500 tổ chức thường xuyên hoạt động tại Việt Nam. Giá trị viện trợ giải ngân của NGOs trong giai đoạn 2014 - 2018 đạt 1,47 tỷ USD (viện trợ không hoàn lại). Những năm gần đây, NGOs chuyển ưu tiên từ các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, sang hỗ trợ công tác phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, tăng cường sự tham gia và vai trò của phụ nữ, bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học… Các nguồn viện trợ tiếp tục được sử dụng hiệu quả, quan hệ đối tác được tăng cường giữa các nhà tài trợ và địa phương nhận viện trợ.

Là nước đang phát triển, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, do phải tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, cho nên Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có NGOs. Trong tình hình mới, công tác về NGOs đã có những điều chỉnh về cách thức và đối tượng vận động, nhằm tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa nguồn tài trợ. Tuy nhiên, theo PACCOM, trong công tác về NGOs vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Công tác thông tin về các nhà tài trợ tới các bộ, ngành, địa phương còn chậm đổi mới. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động chia sẻ thông tin, chưa hiểu đúng ý nghĩa của viện trợ, khiến việc thu hút viện trợ chưa thật sự hiệu quả.

Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga cho biết, đảm nhận trọng trách là cơ quan đầu mối trong công tác về NGOs, VUFO xác định, nhiệm vụ này không dừng lại ở vận động viện trợ, mà còn tạo dựng và duy trì mối quan hệ, thúc đẩy giao lưu, hiểu biết và sự ủng hộ của NGOs, phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước. Ðảng, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng quốc tế, trong đó có NGOs, hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với thế giới, duy trì hình ảnh Việt Nam là hình mẫu thành công trong hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ mới.