Mỹ và EU rốt ráo chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện do Covid-19 tăng chóng mặt trong những ngày qua, giới chức Mỹ ngày 1-12 thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho hàng triệu công dân, sớm nhất là từ giữa tháng 12. Cùng ngày, EU ấn định khung thời gian khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Vaccine phòng Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế. (Ảnh: Getty Images)
Vaccine phòng Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế. (Ảnh: Getty Images)

Cố vấn hàng đầu của chương trình "Triển khai chiến dịch tiêm chủng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, 20 triệu người dân có thể sẽ được tiêm vaccine vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người dân Mỹ có thể tiếp cận được với các loại vaccine hiệu quả cao.

Trong khi đó, tại một sự kiện do báo The Washington Post thực hiện cùng ngày, ông Moncef Slaoui, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline - GSK, cho biết: "Trong vòng 24 giờ, nhiều nhất là 36-48 giờ, sau khi được cấp phép, vaccine ngừa Covid-19 có thể tới được tay người dân". Cùng với việc các sản phẩm vaccine của tập đoàn dược phẩm Pfizer và Moderna được thông qua, kể từ tháng 1-2021, mỗi tháng sẽ có khoảng 60-70 triệu liều vaccine được cung ứng cho nhu cầu của người dân.
               
Theo kế hoạch, một ủy ban của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gồm nhiều cố vấn từ bên ngoài sẽ họp vào ngày 10-12 để thảo luận liệu xem có đề xuất "quyền sử dụng khẩn cấp" đối với vaccine của Pfizer hoặc Moderna hay không. Theo ông Saloui và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, tiến trình phân phối vaccine sẽ bắt đầu sau khi FDA thông qua loại vaccine đầu tiên, dự kiến là vài ngày sau cuộc họp trên.

Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá sinh học của FDA, Tiến sĩ Peter Marks, cho rằng có thể mất "vài ngày, thậm chí vài tuần" để cơ quan này đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi ông Stephen Hahn, một ủy viên của FDA nhận định quy trình thông qua có thể kéo dài hơn thời gian chính quyền Trump đã đề xuất. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC News ngày 1-12, rằng liệu vaccine có thể sẵn sàng đưa vào tiêm chủng trong tuần từ 15-12 hay không, ông Hahn cho biết: "Có thể, nhưng lưu ý, kế hoạch này vẫn phụ thuộc vào những vấn đề và dữ liệu mà ủy ban cố vấn vaccine đưa ra sau khi xem xét".

Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ thông báo đã chuẩn bị sẵn sàng để cho phép "vận chuyển ngay lập tức một số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 cũng như đã hoàn tất mọi quy định cần thiết về thủ tục".

Liên quan đến đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng, ngày 1-12, hội đồng cố vấn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ gần như tuyệt đối khuyến nghị rằng nhân viên y tế và những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài phải là những đối tượng được ưu tiên tiếp cận vaccine trong giai đoạn đầu tiên. Đây là hai nhóm có số ca tử vong chiếm khoảng 40% số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ. CDC cho biết, hai nhóm này có khoảng 24 triệu người, gần bằng số người dự tính sẽ được tiêm chủng trong tháng 12 nếu các loại vaccine của Pfizer và Moderna được thông qua và các hãng cung cấp khoảng 40 triệu liều như đã cam kết.
               
CDC sẽ xem xét khuyến nghị trên và gửi hướng dẫn sử dụng cho các bang nhằm hỗ trợ các thống đốc trong việc quyết định về ưu tiên phân phối vaccine.
               
Dự kiến, mỗi người sẽ được tiêm hai liều, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ba tuần (nếu dùng vaccine của Pfizer), hoặc cách nhau bốn tuần (nếu dùng vaccine của Moderna).

Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ trong tháng 11 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 4,36 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tức là số ca nhiễm mới tăng gấp đôi so với tháng trước đó do hiện vẫn có nhiều người Mỹ không đeo khẩu trang và tụ tập đông người trong các kỳ nghỉ lễ, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe về nguy cơ lây nhiễm cao.

EU ấn định khung thời gian khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19

Ngày 2-12, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine phòng Covid-19. Chính phủ Anh nêu rõ đã chấp thuận đề nghị của Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế của Anh (MHRA), phê duyệt cho sử dụng vaccine phòng Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Theo đó, vaccine này sẽ được lưu hành tại Anh từ tuần tới. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, chương trình tiêm vaccine sẽ được khởi động ngay đầu tuần tới. Hiện các bệnh viện tại nước này đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine. 

Các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 1-12 đã ấn định khung thời gian rõ ràng để khởi động các chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Trước đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt, muộn nhất là trong ngày 29-12, cân nhắc việc cấp phép khẩn cấp để bắt đầu tiêm những liều vaccine đầu tiên do Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNtech (Đức) phát triển. EMA cũng sẽ tổ chức một cuộc họp khác muộn nhất vào 12-1-2021 để đánh giá đề nghị trên.

Phát biểu ý kiến trước báo giới, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Stefan de Keersmaecker cho biết, nếu EMA cấp phép theo quy định, EU sẽ chính thức thông qua sau đó rất nhanh, có thể chỉ "trong vài ngày".

Đề cập đến chương trình tiêm chủng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, các nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ phơi nhiễm virus nhất sẽ là những đối tượng ưu tiên trong đợt đầu tiêm vaccine vào đầu năm 2021. Những thành phần còn lại sẽ được tiêm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2021.

Tại Đức, chính phủ hy vọng sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào quý I-2021. Nước này đang chuẩn bị các trung tâm tiếp nhận vaccine để phục vụ cho chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Cùng ngày, Tây Ban Nha thông báo sẽ mua thêm hơn 50 triệu liều vaccine của ba hãng dược phẩm, trong đó có Moderna, nâng tổng số vaccine đặt mua của nước này lên thành 105 triệu liều. Tháng trước, Madrid cũng cho biết đã đặt mua thêm hơn 20 triệu vaccine của BioNTech/Pfizer. Cùng với kế hoạch tiêm chủng, Tây Ban Nha cũng khánh thành một khu phức hợp y tế mới khổng lồ, được xây dựng chỉ ba tháng, với chi phí gần 100 triệu euro (120 triệu USD) nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tại vùng thủ đô Madrid, vốn đã rơi vào tình trạng quá tải trong đợt đầu tiên dịch bùng phát.

Từ nhiều tháng qua, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine ngừa Covid-19. Theo dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn được công bố vào tháng trước, cả hai loại vaccine của Moderna (Mỹ) và BioNTech/Pfizer đều an toàn và có hiệu quả lên tới 95%.  

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo dựa trên giả định việc phân phối vaccine có thể bắt đầu trong vài tuần tới, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021.

 Với mức tăng trưởng toàn cầu dự báo đạt khoảng 4,2% trong năm tới, thế giới sẽ bù đắp gần như tất cả sự sụt giảm sản lượng đã mất trong năm 2020. Giám đốc OECD Laurence Boone cho rằng sự phục hồi trên phần lớn là nhờ chính sách hỗ trợ của các chính phủ và ngân hàng trung ương. Theo bà Boone, sự phục hồi sẽ mạnh và nhanh hơn khi ngày càng có nhiều hoạt động mở cửa trở lại.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba