Mỹ la-tinh đối mặt khó khăn chồng chất

Đại dịch Covid-19 lan tới Mỹ la-tinh muộn hơn so các khu vực khác của thế giới. Có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các biện pháp ứng phó dịch, song những bất ổn chính trị, xã hội  tồn tại từ trước càng tạo thêm khó khăn cho khu vực này.

Lực lượng chức năng Ê-cu-a-đo kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng dịch. Ảnh GETTY IMAGES
Lực lượng chức năng Ê-cu-a-đo kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng dịch. Ảnh GETTY IMAGES

Trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Mỹ la-tinh hôm 26-2 là một người đàn ông Bra-xin trở về nước sau chuyến đi tới I-ta-li-a, quốc gia ở thời điểm đó đang là tâm dịch của thế giới. Và cũng chỉ mất hai tháng, tổng  số  ca  nhiễm tại khu vực Mỹ la-tinh đã tăng lên hơn 200 nghìn  người. Đến cuối tháng 6, Mỹ la-tinh thật sự trở thành điểm nóng của dịch bệnh với gần hai triệu người nhiễm và hơn 100 nghìn người chết. Riêng tại Bra-xin, số ca nhiễm vượt mốc một triệu người nhiễm, trở thành nước có số người nhiễm nhiều thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

Tình hình bất ổn chính trị, xã hội tại một số nước như Chi-lê, Bô-li-vi-a, Cô-lôm-bi-a thời gian qua là một cuộc khủng hoảng sâu rộng tại Mỹ la-tinh. Biểu tình vẫn diễn ra khắp nơi và chỉ tạm chấm dứt sau khi số người nhiễm mới tăng chóng mặt, buộc các chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp cách ly nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh. 

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CEPAL), tính tới cuối năm 2019, số người nghèo tại khu vực này là khoảng 200 triệu, tương đương 30% tổng dân số, đưa Mỹ la-tinh trở thành khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng xã hội và nghèo đói cao hàng đầu thế giới. Ngân sách chi cho lĩnh vực y tế công của khu vực Mỹ la-tinh chỉ chiếm khoảng 2,2% GDP các nước này, thấp hơn nhiều so mức 6% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO).

Các nền kinh tế Mỹ la-tinh cũng không thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19. CEPAL dự báo, hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Bra-xin và Ác-hen-ti-na sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ như Mê-hi-cô, Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a cũng tổn thất nghiêm trọng, khi dầu mỏ thế giới liên tục rớt giá ở mức kỷ lục, do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong thời gian dịch bệnh giảm mạnh. Du lịch, ngành dịch vụ đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho các nước vùng Ca-ri-bê cũng điêu đứng do các lệnh cấm đi lại.

Bên cạnh đó, khác biệt trong cách ứng phó dịch của các nước Mỹ la-tinh đã tạo thêm khó khăn cho toàn khu vực. Trong khi chính quyền Ác-hen-ti-na, Pê-ru đóng cửa biên giới và ban bố các biện pháp cách ly bắt buộc trên toàn quốc chỉ hơn hai tuần sau khi phát hiện người nhiễm Covid-19 đầu tiên, thì Chính phủ Bra-xin dường như lại dành ít sự quan tâm tới đại dịch. Tổng thống Bra-xin G.Bôn-xô-na-rô thậm chí chỉ trích, các biện pháp cách ly xã hội mà chính quyền các bang áp dụng có thể khiến nền kinh tế đất nước sụp đổ. 

Giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) A.Oen-nơ cho rằng, Covid-19 có thể là nguyên nhân gây nên một “thập kỷ mất mát” về kinh tế tại khu vực Mỹ la-tinh. Theo chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, giảm sâu hơn so mức suy giảm khoảng 3% của nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo bi quan rằng tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ la-tinh có thể giảm ở mức 4,6% trong năm nay.

Cân bằng giữa các biện pháp phòng, chống dịch và mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cấp bách không chỉ với chính phủ các nước Mỹ la-tinh. Tuy nhiên, những khó khăn vốn có sẽ khiến các nước Mỹ la-tinh phải nỗ lực hơn nhiều so với các khu vực còn lại của thế giới.