Mỹ chiếm 1/4 số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên thế giới

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ sáng 23-7 (giờ Việt Nam), thế giới có hơn 15,3 triệu ca mắc và 629 nghìn ca tử vong do Covid-19. Riêng Mỹ chiếm tới 1/4 số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên thế giới. Trong gần 279 nghìn ca mắc mới trong 24 giờ qua, có tới hơn 170 nghìn ca được ghi nhận tại châu Mỹ. 

Nhân viên y tế thu thập thông tin của người dân tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở California, Mỹ, ngày 21-7. (Ảnh: AP)
Nhân viên y tế thu thập thông tin của người dân tại một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở California, Mỹ, ngày 21-7. (Ảnh: AP)

Theo dữ liệu của Reuters, tại Mỹ, California ngày 22-7 đã vượt New York trở thành bang có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong cả nước. Tuy nhiên, hiện New York vẫn là bang ghi nhận nhiều ca tử vong nhất tại Mỹ, California xếp ở vị trí thứ 4 với gần 8.000 trường hợp. Trước đó, New York là tâm dịch đầu tiên của đợt bùng phát Covid-19 tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Tổng số ca bệnh tại California đã vượt mức 414 nghìn, trong khi con số này của bang New York là xấp xỉ 413 nghìn. Đáng chú ý, hàng loạt quận tại California đã ghi nhận hơn 4.700 ca mới trong ngày 22-7.

Trong tháng 7-2020, trung bình mỗi ngày New York có 700 ca bệnh mới, con số này tại California là 8.300. Người đứng đầu Cơ quan Y tế và Dịch vụ nhân sinh bang California Mark Ghaly cho biết, số ca bệnh tăng nhanh gây khó khăn cho việc truy vết nguồn lây lan trong cộng đồng.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh lây nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci chia sẻ với CNN rằng, vấn đề chính trong chương trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là kết quả sẽ có sau nhiều ngày, như vậy việc truy vết tiếp xúc người bệnh Covid-19 sẽ bị chậm trễ. 

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận  65.339 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước tới nay. Số ca tử vong do Covid-19 trong ngày tại Brazil là 1.293 ca, cao hơn Mỹ (1.213 ca). 

Tại châu Á, AustraliaNhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong một ngày. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức cao nhất khi số ca bệnh không rõ nguồn lây nhiễm trung bình mỗi ngày là 122,3 người, tăng 1,6 lần. Số người bệnh có triệu chứng nặng cũng có dấu hiệu tăng hai lần với 14 trường hợp.

Giới chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 tại Tokyo đã lây sang nhóm đối tượng là những người trung niên, cao tuổi. Nguồn lây nhiễm không chỉ dừng lại ở những người có liên quan đến các cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải trí về đêm mà còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác như cơ sở chăm sóc sức khỏe, gia đình, nơi làm việc... Các chuyên gia lo ngại về lâu dài, hệ thống y tế của Tokyo có thể rơi vào tình trạng quá tải. 

Tại châu Âu, ngày 22-7, Chính phủ Thụy Sĩ đã mở rộng danh sách lên 42 quốc gia và vùng lãnh thổ bị coi là điểm nóng về dịch Covid-19. Theo đó, những công dân đến từ những nước này phải tham gia cách ly trong 10 ngày. Trong khi đó, nhà chức trách đã đưa Belarus và Thụy Điển ra khỏi danh sách này. 

Tháng 6 vừa qua, Thụy Sĩ bắt đầu nới lỏng phần lớn biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch. Từ ngày 6-7, những công dân thuộc những nước có nguy cơ cao về Covid-19 muốn nhập cảnh Thụy Sĩ phải cách ly 10 ngày, nếu không sẽ lĩnh mức phạt 10 nghìn franc Thụy Sĩ (10.700 USD). 

Nam Phi đang là tâm điểm chú ý trên bản đồ Covid-19 toàn cầu sau khi trở thành quốc gia có tổng số ca mắc cao thứ 5 thế giới, tăng gấp gần bốn lần chỉ trong một tháng qua. Trước đó, quốc gia châu Phi này được đánh giá là một trong những nước áp dụng các biện pháp ứng phó dịch bệnh nghiêm ngặt nhất thế giới.

Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Michael Ryan cho biết, WHO đang nỗ lực làm việc để bảo đảm vaccine sẽ được phân phối hợp lý. Ông Ryan nhấn mạnh, một số vaccine đang trong giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm và chưa có loại vaccine nào không đáp ứng được tiêu chí về tính an toàn và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, theo ông Ryan, những lô vaccine đầu tiên sẽ chưa thể “ra lò” đầu năm 2021. Chính phủ Mỹ sẽ chi 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do tập đoàn dược phẩm của Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech sản xuất nếu loại vaccine này chứng minh được tính an toàn và hiệu quả. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 23-7:

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 4.100.070 ca mắc, 146.142 ca tử vong
2. Brazil: 2.231.871 ca mắc, 82.890 ca tử vong
3. Ấn Độ: 1.239.684 ca mắc, 29.890 ca tử vong
4. Nga: 789.190 ca mắc, 12.745 ca tử vong
5. Nam Phi: 394.948 ca mắc, 5.940 ca tử vong
6. Peru: 366.550 ca mắc, 17.455 ca tử vong
7. Mexico: 356.255 ca mắc, 40.400 ca tử vong
8. Chile: 336.402 ca mắc, 8.722 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 314.631 ca mắc, 28.426 ca tử vong
10. Anh: 296.377 ca mắc, 45.501 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 91.751 ca mắc, 4.459 ca tử vong
2. Philippines: 72.269 ca mắc, 1.843 ca tử vong
3. Singapore: 48.744 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 8.831 ca mắc, 123 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.261 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 408 ca mắc
7. Myanmar: 343 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Campuchia: 197 ca mắc
9. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 19 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 4.798.124 ca mắc, 201.047 ca tử vong
2. Châu Á: 3.598.608 ca mắc, 84.468 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 3.461.078 ca mắc, 126.988 ca tử vong
4. Châu Âu: 2.717.581 ca mắc, 200.151 ca tử vong
5. Châu Phi: 773.418 ca mắc, 16.479 ca tử vong
6. Châu Đại dương: 14.590 ca mắc, 150 ca tử vong