Một số nước châu Âu quan ngại về đà tăng số ca mắc mới

NDO -

Sau Nga, Tây Ban Nha là quốc gia thứ hai tại châu Âu có hơn 500 nghìn ca mắc Covid-19. Tại Pháp và Anh, các nhà chức trách đang quan ngại về đà tăng số ca bệnh trong nước.

Các em học sinh đeo khẩu trang khi đến trường Luis Amigo, tại Pamplona, Tây Ban Nha, ngày 7-9. (Ảnh: AP)
Các em học sinh đeo khẩu trang khi đến trường Luis Amigo, tại Pamplona, Tây Ban Nha, ngày 7-9. (Ảnh: AP)

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng trong bối cảnh hàng triệu học sinh chuẩn bị đến trường sau sáu tháng trường học tạm thời đóng cửa do dịch Covid-19. Theo kế hoạch, học sinh tại tất cả các vùng trên cả nước sẽ đến trường vào cuối tháng này, trẻ em từ sáu tuổi trở lên sẽ phải đeo khẩu trang.

Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, riêng tuần qua, nước này có thêm 49.716 ca mắc và 237 ca tử vong. Trong đó, khoảng 1/3 số ca mắc mới và tử vong được ghi nhận tại Madrid, khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha.

Vào ngày 31-3, thời điểm dịch bệnh tại Tây Ban Nha đạt đỉnh, nước này đã ghi nhận 9.222 ca mắc và 849 ca tử vong trong ngày. 18% giường bệnh tại các bệnh viện ở Madrid phục vụ người bệnh Covid-19, trong khi mức trung bình của cả nước là 7%. 

Ông Fernando Simon, người đứng đầu Trung tâm Y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha, xác nhận, nước này đang chứng kiến đà tăng số ca lây nhiễm. Ông cũng lưu ý, 50% số ca mới không xuất hiện triệu chứng mắc bệnh và hơn một nửa trong số những người này trong độ tuổi từ 40 trở xuống, nhóm tuổi có ít nguy cơ tử vong do Covid-19 hơn. 

Trong khi đó, bà Angela Hernandez Puente, bác sĩ phẫu thuật và Phó Tổng Thư ký Hiệp hội y khoa Amtys của Madrid, cho rằng, tình hình hiện nay rất đáng lo ngại, nhưng không thể so sánh với sức ép lớn mà hệ thống y tế đã chịu đựng trong tháng 3 vừa qua. Chương trình xét nghiệm mở rộng sẽ giúp chẩn đoán nhiều trường hợp mắc Covid-19 dạng nhẹ và không có biểu hiện mắc bệnh.

“Nếu chúng ta không thể ngăn chặn sự lây lan của virus, chúng ta sẽ gặp lại những gì chúng ta đã chứng kiến trong tháng 3 vừa qua... Mỗi cá nhân cần hành động có trách nhiệm, bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì giãn cách xã hội”, bà cảnh báo.

Trong khi đó, Pháp ghi nhận số ca bệnh tính theo ngày tăng kỷ lục, gần 9.000 ca vào ngày 4-9, mức cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Pháp cũng đang là quốc gia có số ca bệnh mới cao tốp đầu châu Âu. Hai ngày cuối tuần qua, số ca mắc mới tại Pháp lần lượt là 8.550 và 7.071.

Giáo sư Antoine Fontanet, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học tại Pháp cảnh báo, nếu số ca Covid-19 tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay thì một số vùng của nước này sẽ đối mặt với “tình hình nghiêm trọng” vào tháng 12 tới. Ông Fontanet kêu gọi trên kênh LCI, Pháp nên hành động ngay bây giờ vì hành động càng sớm sẽ giúp nước này hạn chế số lượng biện pháp phòng chống dịch cũng như mức độ nghiêm ngặt của chúng.

Một số nước châu Âu quan ngại về đà tăng số ca mắc mới -0

Người dân làm xét nghiệm Covid-19 tại Bolton, Anh, ngày 7-9. (Ảnh: Reuters) 

Hai ngày vừa qua, Anh ghi nhận gần 3.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2/ngày, mức cao nhất kể từ ngày 23-5. 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới. Theo ông Hancock, phần lớn ca bệnh mới là người dưới 25 tuổi, đặc biệt là người trong độ tuổi 17-21. 

“Virus này có thể lây lan nhanh chóng, tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta trao cho chúng, và chúng ta sẽ trao cho chúng nhiều cơ hội nếu từ bỏ những điều đã có tác dụng trong thời gian qua”, ông Martin McKee, Giáo sư về y tế cộng đồng của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, cho biết.

Tính đến 14 giờ ngày 8-9 (giờ Việt Nam), theo Worldometers, châu Âu có hơn 3,8 triệu ca mắc và 210.282 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, vùng dịch lớn nhất châu lục là Nga với hơn một triệu ca bệnh, tiếp đến là Tây Ban Nha (525.549 ca), Anh (350.100 ca) và Pháp (328.980 ca). 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường