Lộ trình phục hồi kinh tế của Malaysia

Thủ tướng Malaysia M.Mohammad mới đây khẳng định, Chính phủ nước này đang nỗ lực làm việc nhằm mang đến một lộ trình phục hồi kinh tế nhiều triển vọng cho đất nước, trong đó tập trung thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân.

Thủ tướng M.Mô-ha-mét phát biểu tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp PNB 2019. Ảnh The SunDaily
Thủ tướng M.Mô-ha-mét phát biểu tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp PNB 2019. Ảnh The SunDaily

Các biện pháp cải cách kinh tế này của chính quyền Malaysia nhằm đối phó những “cơn gió ngược” đến từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại giữa các nước, vốn được nhận định tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực Ðông - Nam Á nói chung và Malaysia nói riêng.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp PNB 2019 do Viện Nghiên cứu PNB của Malaysia tổ chức mới đây với chủ đề “Tái thúc đẩy doanh nghiệp Malaysia”, Thủ tướng M.Mohammad nêu rõ, Chính phủ đã triển khai các biện pháp cải cách quan trọng nhằm gia tăng sự ổn định, tăng cường kiểm soát tài chính và tính minh bạch của nền kinh tế. Nhà lãnh đạo Malaysia cũng khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự tăng trưởng kinh tế. Ông tin tưởng khu vực này sẽ là “chìa khóa” thúc đẩy nền kinh tế phát triển và nêu rõ, các doanh nghiệp Malaysia cần nỗ lực tái cấu trúc, hòa nhập môi trường kinh doanh đang thay đổi.

Cải cách kinh tế vốn là ưu tiêu hàng đầu của Chính phủ Malaysia kể từ khi ông M.Mohammadlên nắm chức Thủ tướng hồi tháng 5-2018. Người dân đã kỳ vọng rằng, Chính phủ mới của Liên minh Hy vọng (PH) có thể nhanh chóng khắc phục các vấn đề cơ bản mà đất nước thời điểm đó đang đối mặt, như chính sách quản lý kinh tế lỏng lẻo, tình trạng thâm hụt ngân sách, những tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại trong khu vực... Trước tình hình này, Chính phủ đã đệ trình bản ngân sách năm 2019 lên Quốc hội, qua đó phản ánh mong muốn khôi phục vị thế kinh tế của Malaysia tại khu vực châu Á. Bản ngân sách có chủ đề “Hồi sinh Malaysia, kinh tế năng động, xã hội phồn vinh”, tập trung vào 12 chiến lược chủ chốt. “Ðiểm sáng” nổi bật trong bản ngân sách này là ưu tiên bảo đảm phúc lợi về kinh tế - xã hội cho người dân. Số tiền dành cho lĩnh vực giáo dục chiếm một tỷ lệ khá lớn, tương đương hơn 19% tổng ngân sách.

Mặc dù Chính phủ Malaysia nỗ lực thúc đẩy cải cách nhằm mang lại những gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh kinh tế tổng thể của đất nước, song giới quan sát nhận định, tiến trình cải cách của chính quyền Malaysia đứng trước nhiều “phép thử” trong bối cảnh những yếu tố bất lợi trong nước và nước ngoài gia tăng. Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Gu-an Eng, phải cần đến ba năm mới có thể khôi phục được sức khỏe tài chính cho quốc gia. Thủ tướng M.Mohammad thừa nhận, Chính phủ đương nhiệm tiếp tục chịu sức ép lớn từ gánh nợ mà Chính phủ tiền nhiệm để lại và đang tiếp tục tiến hành các bước để xử lý các khoản nợ này. Ngân hàng Thế giới (WB) từng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2019 từ mức 5,1% xuống còn 4,7%. Các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB... đều nhận định, Malaysia cần phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch về giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội để hiện thực hóa mục tiêu đạt được vị thế một quốc gia có thu nhập cao và phát triển.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế tiếp tục phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế khu vực Ðông - Nam Á, buộc Chính phủ các nước trong khu vực phải thực hiện nhiều chính sách như cắt giảm lãi suất, kích thích tài khóa, giảm thuế... để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo số liệu của Công ty dữ liệu tài chính quốc tế CEIC, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế Ðông - Nam Á như Indonesia, Thái-lan, Singapore... trong quý II-2019 đều sụt giảm so với mức tăng trưởng trong quý trước đó do chịu tác động từ những khó khăn đến từ các căng thẳng thương mại. Trong số các nước Ðông - Nam Á, Malaysia được đánh giá là duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Mức tăng trưởng kinh tế của Malaysia vào quý II-2019 đạt 4,9% so với mức 4,5% trong quý trước đó, nhờ vào sự tăng trưởng tốt của lĩnh vực tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Malaysia thận trọng cho rằng, nền kinh tế đất nước vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Thủ tướng M.Mohammadt ừng cam kết, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến, biện pháp cần thiết nhằm đạt được mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế với phương châm tiến bộ, dựa trên nền tảng tri thức và nâng cao quyền lợi cho người dân. Ông M.Mohammad khẳng định, khu vực tư nhân phải đi đầu trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chặng đường phục hồi kinh tế của Malaysia đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực chung của mọi thành phần kinh tế, song những chính sách như thắt chặt quản lý tài chính, ưu tiên bảo đảm phúc lợi xã hội... của Chính phủ đã được các chuyên gia đánh giá cao và tin tưởng rằng, những thay đổi này sẽ dẫn đến sự cải thiện về môi trường đầu tư tại quốc gia Ðông - Nam Á trong thời gian tới.