Lo ngại về xung đột tại Libya và Yemen

Theo Reuters và Tân Hoa xã, ngày 2-12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HÐBA LHQ) ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang gần đây tại Li-bi, đồng thời kêu gọi các bên liên quan không làm căng thẳng thêm tình hình và cam kết ngừng bắn.

Hiện trường một vụ không kích ở thủ đô Tripoli, Libya. Ảnh REUTERS
Hiện trường một vụ không kích ở thủ đô Tripoli, Libya. Ảnh REUTERS

HÐBA LHQ yêu cầu các bên tại Libya tuân thủ nghiêm túc lệnh cấm vận vũ khí, kêu gọi tất cả các quốc gia không can thiệp vào cuộc xung đột hoặc thực hiện các biện pháp làm trầm trọng thêm tình hình tại Libya. HÐBA LHQ kêu gọi các bên tại nước này phối hợp với đặc phái viên của LHQ G.Salame, người đứng đầu phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Libya, để xây dựng lộ trình phù hợp giải quyết cuộc khủng hoảng, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, Libya chìm vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở Libya tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền đông. LNA đã mở chiến dịch quân sự tiến công Tripoli trong suốt bảy tháng qua nhằm lật đổ GNA. Ước tính, hàng nghìn người chết và bị thương, trong khi hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

* Ngày 2-12, GNA đã lên án các cuộc không kích do quân đội miền đông tiến hành trước đó một ngày nhằm vào thủ đô Tripoli và các khu vực ở vùng sa mạc phía nam gây thương vong cho dân thường, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. GNA không đưa ra con số thương vong cụ thể, tuy nhiên các lực lượng ủng hộ GNA cho biết, các cuộc không kích đã làm 14 người chết.

* Ngày 2-12, Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) công bố báo cáo cho biết, nếu cuộc chiến tại Yemen kéo dài thêm 5 năm, cộng đồng quốc tế sẽ cần tới 29 tỷ USD mới có thể duy trì mức viện trợ nhân đạo như hiện nay. Con số trên cao hơn nhiều so với tổng ngân sách viện trợ nhân đạo trên toàn cầu. Theo báo cáo trên, 24 triệu người chiếm 80% dân số Yemen, cần viện trợ nhân đạo và 16 triệu người có nguy cơ bị đói. Cuộc nội chiến cũng khiến kinh tế Yemen sụt giảm 50%. Báo cáo ước tính 160.000 trẻ em Yemen dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Từ tháng 3-2015, Yemen rơi vào tình trạng chiến tranh giữa lực lượng Houthi và liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận. Xung đột khiến hơn 100.000 người chết cũng như đẩy hàng triệu người vào cảnh mất nhà ở, thiếu lương thực và thuốc men. LHQ nhận định tình hình tại Yemen là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.