Liên hợp quốc thúc đẩy bảo vệ trẻ em

Chiến tranh và xung đột trên thế giới vẫn luôn là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống và tương lai của nhiều trẻ em. Bất chấp những nỗ lực từ cộng đồng và các tổ chức quốc tế, trẻ em thường bị nhắm tới vì nhiều mục đích tội phạm. Các vụ bắt cóc trong những năm qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bảo hộ cần thiết dành cho trẻ em.

Những học sinh Ni-giê-ri-a được giải cứu thành công. Ảnh: NPR
Những học sinh Ni-giê-ri-a được giải cứu thành công. Ảnh: NPR

Cộng đồng quốc tế quyết liệt lên án các vụ bắt cóc trẻ em nghiêm trọng xảy ra liên tiếp gần đây nhắm vào các trường học. Liên hợp quốc (LHQ) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cùng lên tiếng hối thúc ngăn chặn mối đe dọa từ nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Bô-cô Ha-ram ở Ni-giê-ri-a và tội phạm có tổ chức đang hoạt động tại châu Phi. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các chính phủ dồn nhiều sức lực để bảo đảm y tế cộng đồng, các trường học đã trở thành mục tiêu tiến công.

Mới đây, một nhóm vũ trang đã thực hiện vụ bắt cóc táo tợn 317 nữ sinh trong đêm, từ một trường trung học ở bang Giam-pha-ra, Ni-giê-ri-a. 

Cũng tại Ni-giê-ri-a, tháng 2-2021, một nhóm vũ trang khác bắt 42 người, gồm 27 trẻ em, từ một ngôi trường nội trú ở bang Ni-giê, miền trung nước này. Tháng 12-2020, nhóm phiến quân Bô-cô Ha-ram tiến công một trường học tại bang Ca-xi-na, tây-bắc Ni-giê-ri-a, bắt cóc 344 học sinh. Đây là ba vụ bắt cóc nghiêm trọng xảy ra chỉ trong ba tháng tại Ni-giê-ri-a. Cuối năm 2018, ở Ca-mơ-run cũng xảy ra liên tiếp hai vụ bắt cóc 11 và 79 học sinh trung học. Phần lớn các vụ bắt cóc nhắm vào học sinh được thực hiện vì mục đích đòi tiền chuộc. Khi các chính phủ và lực lượng quân đội vào cuộc mạnh mẽ, nhiều học sinh đã được giải cứu an toàn. Tuy nhiên, không phải chiến dịch giải cứu, chuộc con tin trẻ em nào cũng đạt hiệu quả  tuyệt đối. Năm 2014, cũng chính tổ chức cực đoan Bô-cô Ha-ram đã bắt 276 nữ sinh tại bang Bo-nô, Ni-giê-ri-a và đến nay, hơn 100 em vẫn chưa được về với gia đình. Tình trạng xung đột kéo dài và nguồn lực chính phủ bị chi phối được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em chưa được bảo vệ đúng mức. 

Ở châu Phi, thực tế đáng lo ngại là vấn nạn buôn bán trẻ em vẫn tồn tại ở khắp các quốc gia còn đói nghèo, như CH Trung Phi, Ga-bông, Tô-gô, Ma-li… Không chỉ ở châu Phi, hàng trăm nghìn trẻ em khắp thế giới cũng là nạn nhân của tình trạng buôn người. 

Cùng với đó là tình trạng nhiều trẻ em bị chiêu mộ, do ép buộc hoặc hoàn cảnh gia đình, tham gia những cuộc chiến. LHQ ước tính, có khoảng 8.000 trẻ em tham gia các cuộc chiến ở hơn 20 quốc gia trên toàn cầu. Trong tuyên bố chung nhân Ngày Quốc tế chống sử dụng binh sĩ trẻ em (12-2), LHQ và Liên hiệp châu Âu (EU) cùng lên án mạnh mẽ việc những tổ chức vũ trang vẫn tiếp tục cướp đi nhiều trẻ em từ các gia đình và cộng đồng trong các vùng có xung đột. Cuộc sống và tương lai của nhiều trẻ em vẫn  bị đe dọa nghiêm trọng. 

Theo ước tính của LHQ, khoảng 250 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có chiến tranh, xung đột. Cho dù không phải là nạn nhân của những vụ bắt cóc, buôn bán hay ép buộc làm binh sĩ, những đứa trẻ đó cũng mất đi cơ hội đến trường. Xung đột kéo dài cũng khiến trẻ em đối mặt nhiều nguy cơ hơn, như bệnh tật, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tâm lý… từ đó không thể phát triển bình thường.

Trẻ em dễ bị tổn thương từ các cuộc xung đột. Để hiện thực hóa Công ước LHQ về quyền trẻ em, thế giới cần chung tay nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi những vùng có chiến tranh hay xung đột. Các quốc gia cần lên tiếng và các tòa án quốc tế cần đưa những tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền trẻ em ra xét xử trước công lý.