Lebanon đối mặt cuộc khủng hoảng trầm trọng

Theo Reuters, ngày 21-10, Tổng thống Lebanon M.Aoun chủ trì cuộc họp chính phủ nhằm tìm biện pháp đối phó làn sóng biểu tình phản đối ở nước này.

Tổng thống M.AAoun cho rằng, hàng trăm nghìn người xuống đường ở Lebanon trong bốn ngày qua cho thấy nỗi đau của người dân và chính phủ cần dỡ bỏ các bí mật ngân hàng được duy trì đối với các bộ trưởng, trong bối cảnh người biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và khó khăn kinh tế hiện nay ở Lebanon.

* Ngày 20-10, Thủ tướng Lebanon S.Hariri nhất trí một gói cải cách với các đối tác trong liên minh chính phủ, nhằm nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế vốn châm ngòi cho những cuộc biểu tình. Thủ tướng trước đó đã đưa ra thời hạn chót 72 giờ để các đối tác trong liên minh chính phủ đồng ý về các cải cách quan trọng. Ông cũng “úp mở” về khả năng sẽ từ chức nếu không thể đạt sự đồng thuận này.

Kế hoạch cải cách kinh tế của Lebanon bao gồm kêu gọi giảm 50% lương của các quan chức và cựu quan chức, huy động 3,3 tỷ USD từ các ngân hàng để tiến tới mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống gần bằng 0 trong tài khóa 2020. Kế hoạch còn hướng tới tư nhân hóa ngành viễn thông và cải tổ ngành điện, vốn là những yêu cầu quan trọng của giới đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế để có thể giải ngân khoảng 11 tỷ USD cho Lebanon.

* Người đứng đầu đảng Các lực lượng Lebanon Giáo hội Công giáo Maronite X.Gia-giê yêu cầu bốn bộ trưởng thuộc đảng này từ chức nhằm gây sức ép đối với Thủ tướng S.Hariri. Đảng này cáo buộc Chính phủ Lebanon không đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và kêu gọi thành lập một chính phủ mới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tình trạng của Lebanon hiện nay hết sức khó khăn và cần các biện pháp mới để bảo vệ nền kinh tế, cũng như giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức cao, chiếm hơn 11% GDP. Bộ Tài chính Lebanon cũng cho biết, nợ công của nước này đang ở mức 86 tỷ USD, cao hơn 150% GDP.