Lào tập trung phát triển công nghiệp chế biến

NDO -

Trong nhiều năm trở lại đây, ngành công nghiệp của Lào tăng trưởng mạnh, năm 2020, dự kiến công nghiệp tăng trưởng 9,8%, chiếm 33% GDP, trong đó công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng. 

Lào tập trung phát triển công nghiệp chế biến

Hiện, trên cả nước Lào có khoảng 8.475 nhà máy công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho 161.584 công nhân. Theo phương hướng kế hoạch năm 2021, Lào xác định tiếp tục biến cơ hội được hưởng đặc quyền về thương mại để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến để tăng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực này từ 8-10%/năm.

Số liệu của Bộ Công thương Lào cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và thủ công mỹ nghệ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của Lào, đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến tăng trưởng 9,22%/năm so với kế hoạch 12%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh gồm, nhóm sản xuất giấy và sản phẩm giấy tăng trưởng trung bình 42,38%; nhóm sản xuất linh kiện máy tính, linh kiện điện tử tăng trưởng trung bình 26,04%/năm; nhóm sản xuất đồ may mặc tăng trưởng trung bình 25,31%; sản xuất cao su và và sản phẩm nhựa tăng trưởng trung bình 10,47%/năm; nhóm sản xuất đồ uống tăng trưởng trung bình 8,43%/năm và nhóm sản xuất thực phẩm tăng trưởng trung bình 6,43%/năm.

Thời gian tới, Lào tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng quy định dưới luật, điều chỉnh các cơ chế, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, Lào sẽ tập trung các công việc như khuyến khích, phát triển công nghiệp chế biến để tăng trưởng có chất lượng theo hướng cân bằng, xanh, bền vững làm cho giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến tăng từ 8-10%/năm, khuyến khích mở ít nhất hai nhà máy công nghiệp xanh mỗi năm và giảm bớt khí ga, sử dụng năng lượng thay thế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; khuyến khích, phát triển công nghiệp có thế mạnh và công nghiệp phụ trợ, tạo ra sự đa dạng hàng hóa, thay đổi cơ cấu kinh tế, tập trung công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, thúc đẩy, khuyến khích 13 biện pháp mà Bộ Nông lâm đã đề ra để thúc đẩy sản xuất thực phẩm và hàng hóa.

Về lĩnh vực sản xuất vải tấm, đồ may mặc, giầy dép, Lào xác định sẽ biến cơ hội được hưởng đặc quyền thương mại để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này và tìm kiếm thị trường mới; về công nghiệp vật liệu xây dựng sẽ tập trung phát triển công nghiệp sản xuất xi măng bảo đảm tăng trưởng tốt, tăng cường tiêu chuẩn các nhà máy và sản phẩm xi măng để xác nhận tương đương với tiêu chuẩn quốc tế; về lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp (không phải thực phẩm) và đồ gỗ tập trung chế biến từ cây có thế mạnh có thể sản xuất thành hàng hóa như ngô thành thức ăn cho gia súc, lá thuốc lá, sắn, phân vi sinh...; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, phối hợp với các ngành liên quan trong việc thúc đẩy và xác định việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, phân bổ các địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết bảo đảm xây dựng các nhà máy công nghiệp chế biến thành hệ thống, thúc đẩy, khuyến khích và thu hút đầu tư trong, ngoài nước vào phát triển khu công nghiệp đã được quy hoạch, có thế mạnh, phù hợp, khả thi theo hành lang kinh tế Lào - Trung Quốc như tại Thủ đô Vientiane, tỉnh Luang Namtha, Oudomxay, Luang Prabang, tỉnh Vientiane và theo tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam như tỉnh Khammouane, tỉnh Savannakhet và tỉnh Champasak.

Việc kết nối với khu vực và quốc tế, tập trung xây dựng kế hoạch, chính sách liên kết mạng lưới sản xuất công nghiệp và công nghiệp phụ trợ với khu vực và quốc tế; khuyến khích hợp tác phát triển công nghiệp trong các nước sông Mê Công với các đối tác phát triển; kết nối hợp tác Lào - Trung Quốc, hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để khuyến khích và phát triển công nghiệp chế biến.

Về phát triển thủ công mỹ nghệ, Lào xác định tập trung khuyến khích, thúc đẩy xây dựng các nhóm để thúc đẩy sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa thủ công mỹ nghệ, tạo sự vững mạnh trong việc khuyến khích và phát triển thủ công mỹ nghệ. Hiện, Lào đang là nước xuất siêu và Chính phủ Lào đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến có những sản phẩm nhiều giá trị gia tăng để xuất khẩu, giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô để đạt hiệu quả cao nhất đối với các hàng hóa xuất khẩu mà hiện nay chủ yếu là các loại quặng và nguyên liệu thô.