Lào bước đầu thành công trong cuộc chiến chống Covid-19

NDO -

NDĐT - Hôm nay, ngày đầu tiên của đợt nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội lần thứ ba nhằm phòng, chống dịch Covid-19 tại Lào. Cuộc sống người dân cũng như các hoạt động sản xuất, dịch vụ xã hội đã gần trở lại như mức bình thường trước khi xảy ra dịch Covid-19. Lào đã có 51 ngày liên tiếp không có bệnh nhân Covid-19 mới và ba bệnh nhân Covid-19 cuối cùng có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hôm nay, các cửa hàng ăn uống, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, tại Lào đã dần trở lại hoạt động bình thường. Trong ảnh, thực khách tại một nhà hàng ăn uống, ngày 2-6.
Hôm nay, các cửa hàng ăn uống, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, tại Lào đã dần trở lại hoạt động bình thường. Trong ảnh, thực khách tại một nhà hàng ăn uống, ngày 2-6.

Kể từ khi công bố các biện pháp phòng chống Covid-19 rất quyết liệt và nghiêm ngặt theo Chỉ thị 06/TTg ngày 29-3 của Thủ tướng Lào, hàng loạt biện pháp phòng chống Covid-19 đã được Lào áp dụng trên toàn quốc như: đóng các cửa khẩu, cấm người dân ra khỏi nhà, các cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động ở mức hạn chế nhất nhằm duy trì các hoạt động thiết yếu của xã hội. Các hoạt động sản xuất, giáo dục, đi lại…. không được phép hoạt động. So với các nước trong khu vực và thế giới, các biện pháp mà Lào áp dụng tương đối chặt, có thể nói là cách ly xã hội trên toàn lãnh thổ và được người dân nghiêm túc thực hiện.

Hôm nay, sau ba lần nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, cuộc sống người dân Lào đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường, mặc dù vẫn phải áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tối thiểu. Trong nội địa, chỉ còn đóng cửa các cơ sở giải trí, quán game, casino và không cho khán giả vào xem các giải đấu thể thao. Trong ngày đầu tiên nới lỏng đợt ba này, người dân Lào đón nhận một cách tích cực, đường phố đã dần đông trở lại, các hoạt động xã hội bắt đầu nhộn nhịp, các cửa hàng, cửa hiệu đã mở cửa sau một thời gian dài đóng cửa im ắng. Ông Đặng Xuân Quang, một Việt kiều là chủ nhà hàng Quán ngon Hà Nội, nhà hàng ăn uống lớn nhất của người Việt Nam tại Thủ đô Vientiane cho phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào biết, sau thời gian phải đóng cửa theo chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Lào, hôm nay, cuộc sống người dân tại Thủ đô Vientiane đã dần nhộn nhịp trở lại, khách hàng cũng bắt đầu đến sử dụng các dịch vụ ăn uống tại cửa hàng của ông cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác.

Biện pháp nới lỏng cách ly xã hội lần thứ ba cơ bản cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cơ quan, trường học, nhà hàng… trở lại hoạt động bình thường nhằm giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân, khôi phục nền kinh tế. Tất cả các cấp học phổ thông của Lào được phép mở cửa trở lại từ ngày hôm nay.

Đối với các giao dịch bên ngoài, do dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước giáp biên với Lào cũng như trên thế giới, Lào vẫn đóng các loại cửa khẩu của nước này đối với bên ngoài cũng như chưa cho phép các chuyến bay quốc tế thương mại đến Lào. Việc xuất nhập cảnh của các cá nhân phổ thông vẫn bị cấm, trừ một số trường hợp là người dân Lào, nhân viên ngoại giao, nhân viên các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài, người lao động nước ngoài và các trường hợp đặc biệt, giải quyết theo vụ việc. Tuy nhiên, việc xuất nhập khẩu hàng hóa được Chính phủ Lào ưu tiên vẫn cho phép hoạt động nhằm duy trì giao thương với các nước giáp biên giới bộ nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Có thể nói, các biện pháp phòng, chống Covid-19 của Lào đã đạt những kết quả tương đối tốt mặc dù hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt là y tế của Lào không thuộc loại tốt trong khu vực. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của chính quyền, đại dịch Covid-19 tại Lào đã được khống chế thành công. Đến hôm nay, ba bệnh nhân cuối cùng trong tổng số 19 ca nhiễm Covid-19 tại Lào đã có kết quả âm tính, đang chờ các lần xét nghiệm cuối cùng.

Là một nền kinh tế nhỏ, nội lực kinh tế thấp, vì vậy dịch Covid-19 cũng gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế Lào. Theo đánh giá gần đây của Lào, tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,3% đến 3,6%, tức là chỉ bằng một nửa so với dự kiến cuối năm 2019 mà Chính phủ Lào đề ra. Mới đây nhất, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Lào năm 2020 sẽ ở mức 1% - mức cơ bản và có thể giảm xuống thấp nhất ở mức 1,8% trong năm 2020.

Trong các ngành kinh tế của Lào bị ảnh hưởng, nặng nề nhất là ngành du lịch, ước tính năm 2020 Lào có thể mất 350 triệu USD từ ngành này, kéo GDP mất khoảng 2%. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào còn đưa ra con số đánh giá tình trạng thất nghiệp tại Lào có thể tăng từ mức 2% lên 25%. Các đánh giá khác về xuất khẩu cho thấy, năm nay có thể giảm 8,4% so năm 2019. Đứng trước tình hình như vậy, Chính phủ Lào đã khẩn trương triển khai hàng loạt chính sách nhằm đối phó ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 như tập trung nâng cấp các địa điểm du lịch để sẵn sàng đón khách du lịch nước ngoài và trong nước trở lại nhằm từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn này. Một loạt các biện pháp khẩn cấp và một số biện pháp, kế hoạch ưu tiên về kinh tế nhằm đối phó dịch Covid-19, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp và cuộc sống người dân hay tung ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuộc sống bình thường đang dần trở lại với người dân Lào, các biện pháp khôi phục sản xuất, kích thích tăng trưởng, kiên trì thực hiện các dự án đầu tư lớn của nước ngoài tại Lào cùng các biện pháp hỗ trợ, an sinh xã hội mà Chính phủ Lào đang khởi động trở lại nhiều khả năng sẽ đưa kinh tế Lào quay trở lại quỹ đạo được đánh giá là tăng trưởng tương đối cao trong khu vực vài năm trở lại đây. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong khu vực và trên thế giới còn nhiều phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến Lào, tuy nhiên hy vọng rằng, các biện pháp mà Chính phủ Lào đang tiến hành hiện nay sẽ tiếp tục giúp nước này kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh, thúc đẩy kinh tế đi lên như kế hoạch đã đề ra.