Làn sóng tuần hành chống phân biệt chủng tộc

Theo Roi-tơ và TTXVN, Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô tham gia tuần hành cùng hàng nghìn người biểu tình trước khuôn viên tòa nhà Quốc hội Ca-na-đa ở thủ đô Ốt-ta-oa, để bày tỏ tình đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Hoạt động biểu tình ở Ốt-ta-oa là một phần trong các cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc dự kiến diễn ra ở nhiều thành phố của Ca-na-đa.

Người dân Ca-na-đa tuần hành chống phân biệt chủng tộc. Ảnh | CBC
Người dân Ca-na-đa tuần hành chống phân biệt chủng tộc. Ảnh | CBC

* Ngày 6-6, hàng nghìn người tại nhiều thành phố của Ô-xtrây-li-a xuống đường tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Trước đó, Tòa án phúc thẩm bang Niu Xao Uên đã đảo ngược lệnh cấm biểu tình chống phân biệt chủng tộc được Tòa tối cao của bang ban hành và chính thức cho phép những người tham gia biểu tình được tập trung tại Tòa thị chính thành phố Xít-ni. Các cuộc tuần hành hòa bình cũng diễn ra tại nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan.

* Ngày 5-6 (giờ địa phương), hàng trăm người dân Bra-xin tuần hành phản đối cái chết của cậu bé da màu Mi-ghên đa Xin-va. Cậu bé Mi-ghên đa Xin-va rơi từ tầng chín tòa nhà nơi mẹ cậu bé làm việc ở thành phố Rê-xi-phê của Bra-xin. Mẹ cậu bé đã giao con mình cho người chủ da trắng của bà trông nom trong khi làm việc. Hình ảnh ca-mê-ra an ninh cho thấy người chủ đã để cậu bé đứng một mình trong thang máy và ấn nút điều khiển lên tầng thượng.

* Cơ quan Các quyền cơ bản (FRA) của Liên hiệp châu Âu (EU) khẳng định, các nước EU cần xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực nhằm vào người da màu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh làn sóng tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc lan rộng tại nhiều nước, sau cái chết của công dân gốc Phi G.Phơ-loi ở Mỹ. FRA nhấn mạnh, nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực mang tính sắc tộc đang phổ biến ở châu Âu và kêu gọi các nước EU hợp tác để chấm dứt tình trạng này.

* Với sự chấp thuận của đa số nghị sĩ, Béc-lin trở thành bang đầu tiên của Đức thông qua đạo luật chống phân biệt đối xử. Đạo luật cấm các cơ quan công quyền phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố như bối cảnh xuất thân, màu da, giới tính, tôn giáo... Đạo luật cũng quy định không phân biệt đối xử với những người thiếu kỹ năng về tiếng Đức, cũng như không kỳ thị vấn đề thu nhập, trình độ học vấn hay nghề nghiệp.

* Thị trưởng thành phố Niu Oóc của Mỹ B.Bla-xi-ô thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm đến ngày 8-6 tới, trong bối cảnh vẫn có hàng nghìn người tham gia biểu tình tại thành phố. Người biểu tình kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát, thay đổi chính sách nhập cư. Nhiều người không tuân thủ lệnh giới nghiêm. Ông B.Bla-xi-ô khẳng định sẽ sớm tuyên bố hình thức kỷ luật đối với những cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình hòa bình.