Ký kết công ước Singapore về Hòa giải của LHQ trong giải quyết tranh chấp thương mại

NDO -

NDĐT - Các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 7-8 đã ký Công ước Singapore về Hòa giải. Đây là một thỏa thuận nhằm giúp giải quyết dễ dàng hơn các tranh chấp thương mại xuyên biến giới và ổn định các quan hệ thương mại.

Lễ ký kết Công ước Singapore về Hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại (Ảnh: Straittimes)
Lễ ký kết Công ước Singapore về Hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại (Ảnh: Straittimes)

Công ước Singapore về Hòa giải có tên chính thức là “Công ước LHQ về các thỏa thuận giải quyết quốc tế thông qua hòa giải” đã được ký kết tại Singapore bởi 46 thành viên LHQ, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Mục tiêu của công ước này là nhằm tạo một khuôn khổ quốc tế để các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua việc hòa giải thay vì đưa các tranh chấp này lên tòa án, vốn có thể gây mất nhiều thời gian và chi phí.

Tại lễ ký kết, Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong nhấn mạnh: “Công ước này sẽ giúp thúc đẩy giao thương, buôn bán và đầu tư quốc tế”.

Biện pháp hòa giải đã được sử dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại trong các hệ thống tư pháp như Mỹ và Anh, song chưa được chấp nhận trên toàn cầu. Do đó, công ước này được kỳ vọng sẽ tăng cường độ tin cậy của phương pháp này.

Tổng thư ký các vấn đề luật pháp của LHQ Stephen Mathias cho biết, sự không chắc chắn chung quanh việc thực thi các thỏa thuận giải quyết tại ra trở ngại chính cho việc sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải. Công ước này sẽ xây dựng biện pháp hòa giải như một con đường hiệu quả và tin cậy cho các bên tham gia thương mại, và sẽ không chỉ giúp giải quyết các tranh chấp thương mại và còn giúp duy trì mối quan hệ lâu dài giữa các bên.

Theo Tổng thư các vấn đề luật pháp của LHQ, đây là công ước đầu tiên trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại nhằm kết nối các hệ thống luật pháp và thể hiện một sự đồng thuận trên toàn thế giới vượt qua những khác biệt văn hóa.

Công ước này được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 12-2018. Công ước cần ít nhất ba nước ký và thông qua để đi vào hiệu lực.

“Chúng tôi hy vọng nhiều quốc gia sẽ thông qua Công ước Singapore về Hòa giải và từ đó đóng góp để tăng cường hơn nữa các quy định của luật pháp, phát triển thương mại quốc tế, và phát triển bền vững ở tất cả các khu vực”, ông Mathias nhấn mạnh.