Kinh nghiệm của Thái-lan về gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Đầu năm 2019, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố gỡ “thẻ vàng” đối với nghề cá Thái-lan, đưa nước này ra khỏi danh sách các nước bị cảnh báo về khai thác thủy hải sản trái phép, vốn bị EC áp đặt từ năm 2015.

Trung tâm Giám sát nghề cá của Thái-lan đặt tại tỉnh Xạ-mụt Xa-khôn.
Trung tâm Giám sát nghề cá của Thái-lan đặt tại tỉnh Xạ-mụt Xa-khôn.

Quyết định này của EC là nhằm công nhận các nỗ lực của “đất nước nụ cười” trong suốt bốn năm đã tích cực giải quyết những bất cập trong khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản.

Theo đại diện Cơ quan quản lý nghề cá châu Âu C.Vê-la, từ khi “thẻ vàng” được áp đặt năm 2015, EU và Thái-lan đã tham gia quá trình hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng. Trong đó, hai bên đã đưa ra các biện pháp thực thi cụ thể, gồm sửa đổi khung pháp lý nghề cá của Thái-lan theo luật pháp quốc tế về các ngư cụ khai thác, tăng cường nghĩa vụ của Thái-lan như buộc treo cờ quốc gia và thiết lập quy định xử phạt nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm, củng cố các cơ chế, hệ thống kiểm tra đội tàu đánh cá quốc gia, trong đó có hoạt động giám sát từ xa các hoạt động đánh bắt cá và kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng ngay tại cảng.

Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân, Tổng cục trưởng Thủy sản Thái-lan A.Prôm-thếp cho biết, việc gỡ “thẻ vàng” của EC về thủy sản, một cảnh báo chính thức với nước này vào năm 2015 do thiếu tiến bộ trong việc giải quyết hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), vô hình trung đã giúp Thái-lan có những thay đổi tích cực. Theo đó, những tác động tiêu cực như lượng hàng thủy sản xuất khẩu sang châu Âu bị hạn chế, thu phí kiểm tra đối với từng công-ten-nơ thay vì cả chuyến với hàng trăm lô hàng cùng chủng loại, xuất xứ và doanh nghiệp, thời gian lưu kho kéo dài làm tăng chi phí thuê bến bãi…, khiến Thái-lan buộc phải rà soát toàn bộ quá trình hoạt động của nghề cá từ khâu đánh bắt, thu mua, chế biến đến xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính phủ, các doanh nghiệp đến ngư dân trong việc bảo đảm nghiêm ngặt công tác thực thi pháp luật, quản lý chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực của các bên liên quan, ứng dụng đổi mới công nghệ…

Trong suốt bốn năm qua, Thái-lan đã áp dụng các biện pháp nhằm thuyết phục EC gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản của nước này, trong đó đáng chú ý nhất là công tác quản lý các tàu đánh bắt cá thông qua Hệ thống định vị giám sát tàu cá (VMS) nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Thái-lan. Tổng cục trưởng Prôm-thếp cho biết, sau khi bị EC áp “thẻ vàng”, các bộ, ngành của Thái-lan đã họp rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để tháo gỡ. Trong đó, áp dụng các bước thực hiện giống mô hình các nước châu Âu và Hàn Quốc, như thiết lập hệ thống VMS, kiểm soát lao động trên các tàu cá, truy xuất nguồn gốc địa lý thủy hải sản…

Những biện pháp này có thể khiến chi phí trước mắt đội lên nhưng về lâu dài giúp các doanh nghiệp đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thu lợi hơn. Ông Prôm-thếp cho rằng, việc đưa chủ tàu và ngư dân vào khuôn khổ và quy trình khắt khe để đáp ứng các điều kiện của EC không phải đơn giản, do lâu nay họ đã quen với lối sống tự do, không gò bó, nay đánh cá ở biển gần, mai đánh bắt nơi biển xa.

Tổng cục Thủy sản Thái-lan cho biết, tất cả tàu cá của Thái-lan đều được lắp đặt hệ thống VMS, từ đó, các nhân viên của Tổng cục Thủy sản sẽ nắm rõ các tàu cá đang hoạt động ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái-lan hay ở khu vực cấm đánh bắt. Ngoài chi phí lắp đặt hệ thống định vị khoảng 1.000 USD cho mỗi tàu, các chủ tàu còn phải trả 25 USD/tháng cho các nhà cung cấp dịch vụ VMS và ứng dụng của dịch vụ này trên điện thoại di động.

Theo ông Prôm-thếp, Tổng cục Thủy sản Thái-lan đã triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát nghề cá đặt ở tỉnh Xạ-mụt Xa-khôn giáp Thủ đô Băng-cốc, với khoảng 30 nhân viên chia làm ba ca, trực 24 giờ trong ngày. Từ đây, vị trí của mọi tàu cá đều hiển thị trên màn hình trung tâm. Nếu có bất cứ tàu nào ra khỏi vùng biển Thái-lan, các nhân viên của trung tâm sẽ ngay lập tức cảnh báo và yêu cầu tàu quay trở lại. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, các chủ tàu có thể đăng ký thủ tục xuất nhập cảng cho các tàu cá, đồng thời nắm rõ tàu đang đánh bắt ở khu vực nào cũng như tra cứu lịch sử hoạt động của tàu trong mười ngày gần nhất. Nếu phát hiện tàu đi ra khỏi hải phận của Thái-lan, các chủ tàu sẽ liên lạc với thuyền trưởng để yêu cầu quay trở lại. Ông C.Chan-tha-vông-xô, ngư dân tỉnh Xạ-mụt Xa-khôn cho biết, trước đây ông và các ngư dân khác đánh bắt cá mà không cần kiểm soát, vì quan niệm rằng tài nguyên trên biển rất nhiều. Bây giờ, mọi thứ phải kiểm tra trước khi tàu ra khơi, lao động trên thuyền phải có giấy phép, tàu cá phải có giấy phép đánh bắt hợp lệ mới được ra khơi. Ngư dân tỉnh này hiện đã có ý thức bảo vệ tài nguyên biển, đánh bắt thủy hải sản theo đúng quy định, không chỉ nỗ lực để gỡ “thẻ vàng” mà còn vì một nền ngư nghiệp bền vững.

Cùng với các biện pháp của chính phủ, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần đưa thủy sản Thái-lan ra khỏi danh sách cảnh báo của EC. Thai Union, doanh nghiệp hiện chiếm 20% sản phẩm cá ngừ đóng hộp toàn cầu, đã triển khai chiến dịch “Thay đổi biển cả” nhằm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm do doanh nghiệp này sản xuất. Ông P.Cơ-pay-rốt, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Thai Union cho biết, vấn đề tập đoàn chú trọng nhất trong chiến dịch “Thay đổi biển cả” là truy xuất nguồn gốc nhằm giúp khách hàng theo dõi được các sản phẩm từ khâu đánh bắt, chế biến tới tiêu dùng. Điều này có thể khiến cho chi phí sản xuất cao hơn nhưng giúp sản phẩm được đánh giá cao, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.