Khởi động chiến dịch tiêm chủng, Hàn Quốc kỳ vọng đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11

NDO -

Một năm sau khi xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, Hàn Quốc ngày 26-2 bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sẽ sớm đưa đất nước quay lại cuộc sống thường nhật và đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Tổng thống Moon Jae-in (thứ hai từ trái sang) quan sát quá trình tiêm vaccine của AstraZeneca cho bác sĩ tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Seoul, ngày 26-2. (Ảnh: Yonhap)
Tổng thống Moon Jae-in (thứ hai từ trái sang) quan sát quá trình tiêm vaccine của AstraZeneca cho bác sĩ tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Seoul, ngày 26-2. (Ảnh: Yonhap)

Theo hãng thông tấn Yonhap, hơn 5.000 nhân viên y tế và người bệnh dưới 65 tuổi tại các cơ sở chăm sóc dài hạn bắt đầu được tiêm mũi vaccine đầu tiên khi chương trình tiêm chủng trên toàn quốc khởi động. 

Người đầu tiên được tiêm vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp bào chế là một nhân viên y tế 61 tuổi, làm việc tại một cơ sở điều dưỡng ở Seoul. 

Hàn Quốc bắt đầu phân phối vaccine của AstraZeneca trên toàn quốc từ ngày 25-2, với đối tượng ưu tiên là khoảng 289 nghìn nhân viên y tế và người bệnh dưới 65 tuổi tại các viện dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng và cơ sở phục hồi chức năng. Dự kiến, Hàn Quốc sẽ hoàn thành đợt tiêm chủng đầu tiên trong tháng 3 tới.

Theo giới chức y tế Hàn Quốc, lô vaccine AstraZeneca đầu tiên đủ để cung cấp cho 785 nghìn người. Vaccine được sản xuất tại một nhà máy địa phương của công ty SK Bioscience theo một hợp đồng hợp tác sản xuất. 

Sau khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định tạm ngừng tiêm vaccine do AstraZeneca sản xuất cho người từ 65 tuổi trở lên cho đến khi có thêm dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, giới chức y tế nước này nhiều lần lên tiếng xua tan những lo ngại về vấn đề an toàn của loại vaccine này. Theo nhà chức trách Hàn Quốc, vaccine do AstraZeneca sản xuất đã được khoảng 50 quốc gia phê duyệt và được WHO thông qua sử dụng khẩn cấp. Đến nay, chưa có quốc gia nào đã và đang sử dụng vaccine của AstraZeneca báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng của loại vaccine này.

Các cơ quan y tế Hàn Quốc khẳng định, chính phủ sẽ bồi thường thỏa đáng khi xảy ra tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian người dân tiêm phòng theo lịch trình. Chính phủ cũng sẽ chi trả chi phí nằm viện và các loại chi phí điều trị khác. 

Từ ngày mai (27-2), nhóm đầu tiên trong khoảng 55 nghìn nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 sẽ được tiêm vaccine của Pfizer. Đây là một phần trong dự án tiêm chủng toàn cầu COVAX Facility của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cụ thể, nhóm đầu tiên sẽ gồm 300 bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế đang góp sức điều trị người bệnh Covid-19 tại vùng thủ đô Seoul. Hàn Quốc có kế hoạch đặt 120 cơ sở tiêm chủng do nhà nước điều hành tại các bệnh viện đa khoa, phòng tập gym và các khu vực khác... Dự kiến, nước này sẽ hoàn tất tiêm chủng lô vaccine Pfizer đầu tiên vào ngày 20-3.

Hàn Quốc đặt ra mục tiêu 70% dân số được tiêm phòng Covid-19 vào tháng 9 tới và hai tháng sau đó nước này sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Chính phủ cũng đã bảo đảm có đủ vaccine để tiêm phòng cho 79 triệu dân theo chương trình COVAX và hợp đồng ký kết với các hãng dược phẩm nước ngoài. 

Trong một cuộc khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người từ 18 tuổi trở lên do Viện Dư luận xã hội Hàn Quốc tiến hành, 45,8% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng ngay khi đến lượt. 45,7% người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẽ trì hoãn tiêm phòng để theo dõi tình hình về các tác động của vaccine. 5,1% người được hỏi từ chối tiêm vaccine, trong khi 3,4% còn lại vẫn chưa đưa ra quyết định.  

Vào đúng ngày Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng đại trà, Thủ tướng nước này Chung Sye-kyun thông báo, Chính phủ sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay thêm hai tuần nữa trong bối cảnh các cụm lây nhiễm lẻ tẻ vẫn xuất hiện trên cả nước. Đến nay, Hàn Quốc đã phát hiện gần 89 nghìn ca mắc Covid-19, trong đó 1.585 người đã tử vong. Từ đầu tuần này, số ca mắc mới tại Hàn Quốc dao động trên dưới 400 ca/ngày.

Cuộc đua vaccine Covid-19