Kêu gọi G20 hành động khẩn cấp

Theo TTXVN và tin nước ngoài, trong thư gửi các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres kêu gọi G20 thông qua "kế hoạch thời chiến", trong đó có gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp các nước đang phát triển chống dịch Covid-19. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, G20 có lợi ích trực tiếp và vai trò giúp các nước ứng phó dịch bệnh.

★ Trong vai trò Chủ tịch luân phiên G20, ngày 25-3, A-rập Xê-út ra thông báo cho biết, Quốc vương Salman sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt của G20, diễn ra hôm nay (ngày 26-3), qua hình thức trực tuyến. Nội dung thảo luận quan trọng nhất của hội nghị là thúc đẩy phối hợp toàn cầu nhằm ứng phó dịch Covid-19 và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

★ Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 24-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia R.Marsudi cùng nhận định rằng, dịch Covid-19 lây lan trên khắp thế giới tạo ra thách thức chung, chưa từng có với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc và Indonesia nhất trí thúc đẩy G20 đoàn kết, chung tay và hỗ trợ các nước khác chống dịch, bảo đảm an ninh y tế công cộng toàn cầu.

★ Trước thềm hội nghị trực tuyến của G20, giới chuyên gia quốc tế kêu gọi G20 nhanh chóng đạt được "cam kết tập thể", làm đòn bẩy giúp các nước tung ra các gói kích thích tài khóa để ứng phó "cú sốc kinh tế" do dịch Covid-19. Mạng eastasiaforum.org dẫn các ý kiến cảnh báo, tác động ghê gớm của dịch Covid-19 gây ra các cú sốc cả về cung, cầu lẫn tài chính, dẫn tới suy thoái kinh tế toàn diện.

★ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng tái cam kết hành động nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương, G7 khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục lòng tin, bảo vệ doanh nghiệp và người lao động trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

★ Ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi các đối tác quốc tế phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô trong nỗ lực khôi phục và duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ðại diện ngân hàng đã thảo luận vấn đề này với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), chú trọng các vấn đề về thương mại, tài chính và chính sách tiền tệ.

★ Ngày 25-3, các thượng nghị sĩ Mỹ và giới chức chính quyền Tổng thống D.Trump đã đạt thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn nhất lịch sử, nhằm giảm tác động tiêu cực do dịch Covid-19. Gói biện pháp cứu trợ kinh tế này trị giá hai nghìn tỷ USD và cần được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trong những ngày tới.

★ Trong khi đó, Hạ viện Canada cũng đang xem xét để thông qua gói kích thích kinh tế, trị giá khoảng 56 tỷ USD, do chính phủ Thủ tướng J.Trudeau đề xuất nhằm ứng phó dịch Covid-19. Gói biện pháp kinh tế sẽ hỗ trợ trực tiếp người lao động và doanh nghiệp, cũng như giúp bảo đảm thanh khoản và bình ổn kinh tế.

★ Những thông tin tích cực từ các kế hoạch cứu trợ kinh tế đã giúp các thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ. Mở phiên giao dịch ngày 25-3, nhiều chỉ số tại thị trường chứng khoán châu Á tăng vọt. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 24-3, các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm.