IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 1-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống mức âm 1,6% trong năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch không bùng phát đợt hai và các nước triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế ở quy mô lớn, tăng trưởng kinh tế châu Á dự kiến sẽ hồi phục trở lại ở mức 6,6% vào năm 2021, song những thiệt hại kinh tế do dịch có thể vẫn còn kéo dài. 

* Chính quyền thủ đô Tô-ki-ô ngày 1-7 thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 67 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25-5. Nhật Bản chưa tuyên bố một lệnh khẩn cấp khác nhằm khống chế sự lây lan của dịch, song nước này có thể phải thực hiện biện pháp trên trong tình huống xấu nhất. Từ ngày 1-7, Nhật Bản đã chính thức bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh.

* Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 507 người chết do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số người chết cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số người chết ở Ấn Độ lên 17.400 người. Thủ tướng N.Mô-đi đã thông báo kéo dài chương trình hỗ trợ người nghèo trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, giúp 800 triệu người sẽ nhận được khẩu phần ăn miễn phí trong năm tháng nữa. 

* Còn tại I-ran, một ngày sau khi ghi nhận số người chết cao nhất tính theo ngày, Bộ Y tế I-ran nhận định nước này vẫn chưa thoát khỏi đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, giới chức I-ran một lần nữa bác bỏ thông tin cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng trong làn sóng dịch thứ hai. 

* Ngày 1-7, các trường học trên khắp Thái-lan đã mở cửa đón học sinh trở lại sau nhiều tháng giảng dạy trực tuyến do dịch. Đến nay, Thái-lan đã trải qua 37 ngày không ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Chính phủ Thái-lan đã quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 7.

* Tại Phi-li-pin, Tổng thống R.Đu-téc-tê đã ra lệnh duy trì các biện pháp hạn chế một phần đối với thủ đô Ma-ni-la thêm hai tuần nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan, trong khi nỗ lực giảm thiệt hại kinh tế. Nhật Bản thông báo sẽ gia hạn khoản vay 464 triệu USD để giúp Phi-li-pin triển khai các biện pháp khẩn cấp chống dịch. 

* Trong khi đó, Chính phủ Băng-la-đét đã kéo dài các biện pháp hạn chế các hoạt động công cộng và đi lại ở thủ đô Đa-ca và một số khu vực khác cho đến ngày 3-8. Khi ra khỏi nhà, tất cả người dân đều phải đeo khẩu trang, tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội và các hướng dẫn y tế, nếu không sẽ bị xử lý. 

* Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch đánh giá nhiều chính phủ khu vực phía nam sa mạc Xa-ha-ra châu Phi đang đối mặt với mức tăng tốc độ nợ công nhanh hơn so với các thị trường mới nổi khác, làm tăng nguy cơ hạ cấp tín nhiệm đầu tư và vỡ nợ. Đại dịch và cú sốc giá dầu đang tác động nghiêm trọng đối với các nước phía nam sa mạc Xa-ha-ra châu Phi. Fitch dự báo GDP thực tế trung bình của khu vực này sẽ giảm 2,1% trong năm 2020.

* Tại châu Âu, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn cho rằng, Anh phải nắm bắt thời khắc ngay sau đại dịch để vực dậy nền kinh tế, cam kết hỗ trợ 5 tỷ bảng  để đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đất nước thoát khỏi các tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Bộ trưởng Kinh doanh Anh cho biết chính phủ sẽ lên kế hoạch áp dụng hình thức du lịch “cầu hàng không”, qua đó cho phép người dân Anh đi nghỉ tại một số nước mà không phải cách ly khi trở về. 

* Chính phủ Ba Lan đã công bố danh sách tám quốc gia không thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) mà nước này đã sẵn sàng nối lại đường bay sau khi đã đình chỉ toàn bộ dịch vụ hàng không dân dụng kể từ giữa tháng 3 vừa qua để phòng dịch. Theo đó, kể từ ngày 1-7, các hãng hàng không Ba Lan có thể nối lại các tuyến bay đi và đến với Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ca-na-đa… 

* Ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn thông báo sẽ không tổ chức các hoạt động vận động tranh cử do ảnh hưởng của đại dịch. Quyết định không tổ chức các cuộc vận động tranh cử cho đến ngày bầu cử 3-11 tới được xem là bước đi chưa từng có tiền lệ đối với một ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ. Thông báo này được đưa ra vào thời điểm nước Mỹ vẫn đang vật lộn xử lý cuộc khủng hoảng dịch đã làm chết hơn 130 nghìn người ở nước này.

* Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo trong trường hợp tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, số người chết tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có thể lên đến 438 nghìn người vào tháng 10 tới. PAHO dự báo Chi-lê và Cô-lôm-bi-a sẽ đạt đỉnh dịch trong vòng 15 ngày tới; trong khi đó, thời điểm này đối với Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô và các quốc gia Trung Mỹ sẽ rơi vào tháng 8-2020.

* Pê-ru thông báo chính thức kết thúc giai đoạn cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Kể từ ngày 1-7 sẽ chỉ còn 7 trên tổng số 25 vùng của Pê-ru vẫn phải thực hiện lệnh cách ly do nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Tổng thống M.Vi-xca-ra yêu cầu người dân vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch.

* Tại Bra-xin, Tổng thống G.Bôn-xô-na-rô thông báo chính phủ nước này sẽ tiếp tục kéo dài chương trình trợ cấp cho những người lao động không chính thức và thất nghiệp thêm hai tháng nữa do tác động của dịch. Trong ba tháng vừa qua đã có khoảng 7,8 triệu người dân Bra-xin bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên tới 12,9%.