I-ran lần đầu tham gia đối thoại về khủng hoảng Xy-ri

Ngày 30-10, các bộ trưởng ngoại giao và đại diện Mỹ, Nga, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước A-rập, châu Âu và Liên hiệp châu Âu (EU) nhóm họp tại thủ đô Viên của Áo, thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri. Hội nghị quốc tế về Xy-ri lần này là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên có sự tham gia của tất cả các nước được cho là có ảnh hưởng tới tình hình Xy-ri, cũng như khu vực Trung Đông. Đây là lần đầu I-ran tham dự đối thoại về Xy-ri, sau những tranh cãi liên quan vai trò của I-ran trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã hoan nghênh I-ran lần đầu tham gia đối thoại về Xy-ri, đồng thời kêu gọi các bên thể hiện sự linh hoạt nhằm đạt được giải pháp c

Hội nghị quốc tế về Xy-ri diễn ra tại thủ đô Viên (Áo). Ảnh IRNA
Hội nghị quốc tế về Xy-ri diễn ra tại thủ đô Viên (Áo). Ảnh IRNA

* Trước đó, ngày 29-10, tại Viên diễn ra một loạt cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về Xy-ri. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran G.Da-ríp đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri và Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại P.Mô-ghe-ri-ni, thảo luận về xung đột tại Xy-ri. Hãng thông tấn IRNA của I-ran dẫn lời ông Da-ríp khẳng định, các bên không thể đạt được một giải pháp hợp lý về vấn đề Xy-ri nếu không có sự tham gia của Tê-hê-ran trong các cuộc đàm phán. Cùng ngày, bộ trưởng ngoại giao nhóm “bộ tứ về Xy-ri”, gồm Nga, Mỹ, A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có cuộc thảo luận riêng.

* Liên quan tình hình Y-ê-men, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Y-ê-men I.A-mét cho biết, các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Y-ê-men và phiến quân Hu-thi có thể được tổ chức giữa tháng 11 tới tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Nhóm công tác của LHQ đã liên hệ với các phe phái đối địch tại Y-ê-men để thảo luận các phương thức của vòng hòa đàm do LHQ làm trung gian. Cả chính phủ Y-ê-men và lực lượng Hu-thi đều nhất trí cử đại diện tham gia đàm phán.

* Hãng tin TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga X.Ri-áp-cốp ngày 30-10 tuyên bố, không nước nào có quyền sử dụng lực lượng quân sự tại Xy-ri nếu không được sự đồng ý của Chính quyền Đa-mát. Tuyên bố được đưa ra sau khi có những đồn đoán về khả năng Mỹ có thể tiến hành một chiến dịch quân sự trên bộ tại Xy-ri. Theo lãnh đạo Nga, hành động này là không thể chấp nhận.

* I-rắc cũng tuyên bố không cần sự hỗ trợ của bộ binh Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ I-rắc. Đây là tuyên bố chính thức của Bát-đa đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu năm góc sẽ gửi quân tới I-rắc nếu Chính quyền Bát-đa yêu cầu. Tại cuộc họp báo ngày 30-10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng I-rắc nêu rõ, hiện I-rắc có đủ quân số trên bộ và nhắc lại rằng, sứ mệnh của Mỹ chỉ là huấn luyện và hỗ trợ binh sĩ I-rắc.

* Trong khi đó, I-xra-en có kế hoạch phân cách người Do Thái với người Pa-le-xtin nhằm tránh xảy ra đụng độ bạo lực. Thị trưởng TP Gu-sơ Ét-di-ôn thuộc Bờ Tây cho biết, quân đội I-xra-en thông báo bắt đầu áp dụng chính sách mới, theo đó ngăn cản người Pa-le-xtin tiếp cận người I-xra-en. Quyết định được quân đội I-xra-en đưa ra sau vụ tiến công hôm 28-10 ở khu vực xen lẫn người I-xra-en và Pa-le-xtin.