Điểm thời sự

Hy Lạp đẩy mạnh cải cách kinh tế

Trong những năm qua, Hy Lạp phải tiến hành các chính sách "thắt lưng buộc bụng", đổi lại là các gói cứu trợ quốc tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Với mong muốn vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng, chính phủ mới tại Hy Lạp do Thủ tướng K.Mitsotakis lãnh đạo đang nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật cải cách kinh tế mới. Ảnh GREECE.GREEKREPORTER.COM
Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật cải cách kinh tế mới. Ảnh GREECE.GREEKREPORTER.COM

Thủ tướng K.Mitsotakis đã lãnh đạo đảng Dân chủ Mới (ND) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp vào tháng 7 vừa qua. Chính phủ mới lên cầm quyền đã đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 2,8% năm 2020, so mức 2% năm 2019. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng 2,2% vào năm 2020.

Ngay sau khi giành chiến thắng, Chính phủ Hy Lạp đã thúc đẩy các biện pháp cải cách kinh tế, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng. Tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư được xem là một trong những chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng K.Mitsotakis. Thủ tướng K.Mitsotakis vừa mới tuyên bố sẽ đình chỉ thuế giá trị gia tăng với các dự án xây dựng trong ba năm, nhằm phục hồi đầu tư trong nước vào bất động sản. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp cũng tuyên bố chấm dứt các biện pháp kiểm soát vốn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Dự luật cải cách thuế, gồm nhiều biện pháp giảm thuế đáng chú ý của Chính phủ Hy Lạp đã được quốc hội nước này thông qua.

Quốc hội Hy Lạp mới đây phê chuẩn một dự luật cải cách kinh tế do Thủ tướng K.Mitsotakis đề xuất, nhằm thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Dự luật có tên "Ðầu tư cho Hy Lạp" được thông qua với sự ủng hộ của 165 trong tổng số 300 nghị sĩ quốc hội. Dự luật mới được cho là sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục áp dụng với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực như tài chính, quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất… Bên cạnh đó, dự luật mới cũng bao gồm những thay đổi về hoạt động của các liên đoàn lao động.

Thủ tướng K.Mitsotakis khẳng định, dự luật sẽ đưa lĩnh vực đầu tư ở Hy Lạp hòa nhập xu hướng của thế kỷ 21 và kỷ nguyên số. Dự luật kết hợp những thực tiễn học hỏi từ châu Âu và cộng đồng quốc tế, loại bỏ những trở ngại với hoạt động đầu tư và khuyến khích việc làm. Bộ trưởng Tài chính C.Xtai-câu-rát cũng cho rằng, dự luật này là một bước ngoặt trong chương trình cải cách do chính phủ đề xuất, chú trọng hoạt động đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, những cải cách lao động có trong dự luật mới vẫn vấp phải sự phản đối của đảng SYRIZA đối lập do cựu Thủ tướng A.Txi-prát lãnh đạo và một số liên đoàn lao động.

Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công, buộc Athens phải tiến hành các chính sách khắc khổ nhằm đổi lấy ba gói cứu trợ trị giá gần 300 tỷ ơ-rô từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tháng 8-2018, Hy Lạp nhận gói cứu trợ quốc tế cuối cùng. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp đề nghị Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) cho phép trả sớm một phần khoản tiền nước này nợ IMF, nhằm giảm chi phí nợ. ESM mới đây cũng chấp thuận đề nghị nêu trên của Athens. Thanh toán trước hạn sẽ góp phần cải thiện uy tín của Hy Lạp, giảm gánh nặng nợ công, đồng thời giúp tiết kiệm một phần tiền lãi của khoản nợ.

Với 158 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, nắm giữ thế đa số trong quốc hội, không khó để Chính phủ Hy Lạp giành được sự ủng hộ với các chính sách cải cách kinh tế. Tuy nhiên, dù nền kinh tế Hy Lạp đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nợ công vẫn ở mức cao và tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện rõ ràng. Chính quyền của Thủ tướng K.Mít-xô-ta-kít sẽ phải đối mặt nhiều thách thức nhằm thực hiện cam kết đưa Hy Lạp bước sang một trang mới sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.