Hợp tác Việt Nam - các nước

Ngày 30-11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức hội nghị triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM). Dự hội nghị có hơn 110 đại biểu từ các bộ, cơ quan, địa phương, cùng các đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hội nghị nhằm rà soát kết quả thực hiện kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM, xác định các vấn đề ưu tiên và vướng mắc khi triển khai, qua đó hoàn thiện công tác quản lý di cư quốc tế và xây dựng chủ trương, chính sách của Việt Nam về di cư.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam đề cập bao trùm và toàn diện các giải pháp đối với vấn đề di cư quốc tế, lồng ghép yếu tố giới và phát triển bền vững với nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, như việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư, gia nhập các công ước quốc tế liên quan lao động di cư. Ðiều này thể hiện cam kết và trách nhiệm trong việc duy trì, củng cố môi trường di cư minh bạch, an toàn, vì sự phát triển bền vững.

Trưởng Ðại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam Pắc Mi Hi-ung nhấn mạnh, IOM đánh giá cao việc Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM, thể hiện cam kết của Việt Nam thúc đẩy nhận thức chung, chia sẻ trách nhiệm về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự...

★ Cùng ngày, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn với chủ đề "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam", theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm nâng cao hiểu biết về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức diễn đàn là một trong những sáng kiến nhằm triển khai mục tiêu "kép" về kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu, tuy nhiên, cần tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh để giúp doanh nghiệp mở rộng tới các thị trường này.