Hơn 80 triệu ca nhiễm Covid-19 đã hồi phục

NDO -

Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 13-2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 108,70 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 80,86 triệu ca đã hồi phục và 2.392.307 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 414 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 12.000 ca.

(Ảnh minh hoạ: Reuters)
(Ảnh minh hoạ: Reuters)

Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 28,09 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ này ghi nhận hơn 93 nghìn ca nhiễm và 2.634 ca tử vong.

Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 10,09 triệu ca nhiễm và hơn 9,76 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Nga và Anh với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 4,04 triệu ca nhiễm và hơn 4,01 triệu ca nhiễm.

Theo khu vực, Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với hơn 32,16 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 709.560 ca đã tử vong. Tiếp đến là châu Âu với hơn 32,00 triệu ca mắc và 760.799 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 23,91 triệu ca nhiễm và 384.094 ca tử vong

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn dẫn đầu về tổng số ca nhiễm Covid-19. Theo Worldometers.info tính đến 8 giờ (giờ Việt Nam) cùng ngày, quốc gia này ghi nhận hơn 9.869 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,20 triệu ca. Tiếp đến là Philippines với tổng số ca nhiễm ghi nhận là hơn 543.000 ca.

Theo TTXVN, Thủ hiến bang Victoria của Australia, ông Daniel Andrews, ngày 12-2 thông báo tái áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ đêm ngày 12-2, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát từ một ổ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mới.

Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi ổ dịch tại khách sạn Holiday Inn được sử dụng làm nơi cách ly tăng lên 13 ca nhiễm, bao gồm các nhân viên làm việc tại khách sạn và những người tiếp xúc gần, trong đó có 6 ca được xác nhận mắc biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Theo quyết định trên, hầu hết các trường học và cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và người dân chỉ được ra khỏi nhà để đi làm, đi học, mua sắm các vật dụng cần thiết, chăm sóc y tế, tập thể dục mỗi ngày.

Quy định phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà và không được đi cách nhà quá 5km cũng được khôi phục.

Cũng theo quyết định trên, các trận đấu trong khuôn khổ giải quần vợt Australia Open đang diễn ra tại thành phố Melbourne sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức trong 5 ngày tới nhưng không có khán giả.

Cũng theo TTXVN, ngày 12-2, Nhật Bản đã tiếp nhận 400.000 liều vaccine từ hãng dược Pfizer của Mỹ và dự kiến đây sẽ là những liều vaccine đầu tiên được Tokyo cấp phép sử dụng trong nước.

Hãng tin Kyodo cho biết cùng với việc đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến vaccine, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc bắt đầu tiêm chủng từ ngày 17-2 cho khoảng 20.000 y bác sỹ trên cả nước đồng ý được tiêm.

Khoảng 3,7 triệu nhân viên tuyến đầu sẽ được tiêm vào giữa tháng Ba, đến tháng Tư là đến lượt người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, tiếp đó là những người có bệnh nền và những người sống trong các viện dưỡng lão, cuối cùng là tiêm cho toàn dân.

Cũng theo kế hoạch, ngày 14-2, Nhật Bản sẽ được nhận lô vaccine được chuyển từ nhà máy ở Bỉ, tiếp đó Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ thúc đẩy cấp phép chính thức một ngày sau đó.

Việc Liên hiệp châu Âu (EU) thắt chặt kiểm soát xuất khẩu vaccine sản xuất tại các nước trong khối khiến có nhiều lo ngại về thời điểm và số lượng vaccine mà Nhật Bản có thể nhận. Tokyo dự định đảm bảo nguồn cung thông qua đàm phán với Brussels.

Chính phủ Nhật Bản hiện đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine để có đủ số liều tiêm cho 157 triệu người, nhiều hơn cả dân số 126 triệu người của Nhật Bản. Trong số này có tới 72 triệu liều là do Pfizer sản xuất, còn lại là của AstraZeneca và Moderna.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba

Dưới đây là thống kê của Worldometers.info về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 13-2 (giờ Việt Nam):

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 28.098.295 ca mắc, 492.247 ca tử vong

2. Ấn Độ: 10.892.550 ca mắc, 155.588 ca tử vong

3. Brazil: 9.765.694 ca mắc, 237.601 ca tử vong

4. Nga: 4.042.837 ca mắc, 79.194 ca tử vong

5. Vương quốc Anh: 4.013.799 ca mắc, 116.287 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:

1. Indonesia: 1.200.859 ca mắc, 32.656 ca tử vong

2. Philippines: 543.300 ca mắc, 11.495 ca tử vong

3. Malaysia: 258.306 ca mắc, 953 ca tử vong

4. Myanmar: 141.543 ca mắc, 3.188 ca tử vong

5. Singapore: 59.777 ca mắc, 29 ca tử vong

6. Thái Lan: 24.279 ca mắc, 80 ca tử vong

7. Việt Nam: 2.142 ca mắc, 35 ca tử vong

8. Campuchia: 479 ca mắc

9. Brunei: 184 ca mắc, 03 ca tử vong

10. Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

1. Bắc Mỹ: 32.169.576 ca mắc, 709.560 ca tử vong

2. Châu Âu: 32.008.995 ca mắc, 760.799 ca tử vong

3. Châu Á: 23.911.663 ca mắc, 384.094 ca tử vong

4. Nam Mỹ: 16.808.671 ca mắc, 438.813 ca tử vong

5. Châu Phi: 3.753.364 ca mắc, 97.946 ca tử vong

6. Châu Đại Dương: 50.533 ca mắc, 1.080 ca tử vong