Hơn 3 triệu người tử vong do Covid-19

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ sáng 24-4, thế giới ghi nhận gần 3,1 triệu người tử vong do Covid-19 trong tổng số hơn 146,22 triệu ca bệnh.

Kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) cho thấy vaccine ngừa Covid-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ảnh: Reuters
Kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) cho thấy vaccine ngừa Covid-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 32,73 triệu ca bệnh trong đó có hơn 585.000 ca tử vong. Đứng thứ hai về số ca bệnh là Ấn Độ với hơn 16,6 triệu ca, tiếp đến là Brazil với hơn 14,23 triệu ca.

Trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh, ngoài ba quốc gia đứng đầu nêu trên, bảy quốc gia còn lại đều ở châu Âu, gồm Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Đức.

Xét theo khu vực, châu Âu hiện có tới hơn 43,65 triệu ca bệnh, trong đó có tới gần 1 triệu ca tử vong, là châu lục có số ca tử vong cao nhất thế giới. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với hơn 37,84 triệu ca bệnh trong đó có gần 854.000 ca tử vong. Trong khi châu Á đứng thứ ba về số ca bệnh (hiện đã vượt ngưỡng 36 triệu ca) nhưng khu vực Nam Mỹ lại đứng thứ ba về số ca tử vong (hơn 644.000 ca).

Tại châu Âu, Pháp đã vượt Nga, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu lục, với hơn 5,44 triệu ca bệnh và 102.496 ca tử vong. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận định làn sóng lây nhiễm thứ ba tại quốc gia này dường như đã qua thời kỳ đỉnh điểm, khi số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua.

Tại nước láng giềng Bỉ, chính phủ đã quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 8-5 tới. Theo đó, các nhà hàng, quán cà-phê sẽ được phép mở cửa đón khách trở lại từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày nhưng phải kê bàn ngoài trời cách nhau 1,5m và bảo đảm không quá 4 khách/bàn, trừ những gia đình đông thành viên. Quy định cũng nêu rõ tổng số lượng khách ngồi tại các bàn ngoài trời không được vượt quá 50 người và tất cả các nhân viên phục vụ phải bắt buộc đeo khẩu trang. Riêng các quán bar vẫn chưa được hoạt động.

Tại châu Mỹ, bên cạnh Mỹ và Brazil, những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Argentina (2,8 triệu ca bệnh), Colombia (2,7 triệu ca bệnh), Mexico (2,3 triệu ca) và Canada (1,1 triệu ca). 

Tại châu Á, số ca bệnh ghi nhận của hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Philippines đang khá cao, lần lượt là hơn 1,63 triệu ca và gần 980.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong ở Indonesia hiện cao thứ ba toàn châu lục (với 44.346 ca), đứng sau Ấn Độ và Iran. Malaysia hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh khi quốc gia này đã ghi nhận 387.535 ca bệnh trong đó có 1.415 ca tử vong.

Ngày 23-4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho thấy với những người càng lớn tuổi, vaccine càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vaccine này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro.

Tuyên bố của EMA cũng nhấn mạnh việc xuất hiện huyết khối sau tiêm chỉ là phản ứng phụ rất hiếm gặp. Hiện vaccine của AstraZeneca đang được triển khai tiêm ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.          

Cũng liên quan đến vaccine, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine khi tới nay vaccine vẫn chưa đến được với người dân các nước nghèo.

Theo Tổng Giám đốc WHO, gần 900 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số đó là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) cho thấy vaccine ngừa Covid-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh. Qua theo dõi gần 400.000 người Anh trong 4 tháng đầu tiên của chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêm vaccine của Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech đều giúp ngăn ngừa khoảng 65% nguy cơ lây nhiễm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những người nhiễm virus sau khi tiêm chủng thường không có triệu chứng và ít có khả năng tạo ra virus, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng lây truyền virus hơn.

Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 32.735.704 ca mắc, 585.075 ca tử vong
2. Ấn Độ: 16.602.456 ca mắc, 189.549 ca tử vong
3. Brazil: 14.238.110 ca mắc, 386.623 ca tử vong
4. Pháp: 5.440.946 ca mắc, 102.496 ca tử vong
5. Nga: 4.744.961 ca mắc, 107.501 ca tử vong

Cuộc đua vaccine Covid-19