Hơn 1,9 triệu người trên thế giới tử vong do Covid-19

NDO -

Thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ sáng 8-1 (giờ Việt Nam) cho thấy, hơn 1,9 triệu người trong tổng số 88.458.636 trường hợp mắc Covid-19 trên thế giới đã qua đời. Từ ngày 5-1 đến nay, Mỹ liên tục ghi nhận trên dưới 4.000 ca tử vong mỗi ngày.

Bên trong phòng điều trị tích cực cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện San Filippo Neri của Italy. (Ảnh: EPA)
Bên trong phòng điều trị tích cực cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện San Filippo Neri của Italy. (Ảnh: EPA)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 373.799 ca tử vong trong tổng số 22.111.198 ca nhiễm. Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100 nghinf người dân thì có 172 người tử vong. Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 25,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 575.505 ca tử vong. 

Triển khai chương trình vaccine ngừa Covid-19 đang là một trong những trọng tâm của cuộc chiến chống Covid-19 trên thế giới. Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan và Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, đã tham gia phiên họp báo trực tuyến ngày 7-1 nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguy cơ biến thể được phát hiện tại Nam Phi của virus SARS-CoV-2 có thể kháng lại các loại vaccine đang được sử dụng và cấp phép ở nhiều nước. Tiến sĩ Van Kerhove cho rằng, đây là tin rất tốt và là thông tin mới nhất WHO có được cho đến nay, trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.

Biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi vào tháng 10-2020. Nghiên cứu cho thấy, biến thể này có thể đã xuất hiện vào cuối tháng 8-2020. Mặc dù đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận một số ca nhiễm biến thể này bên ngoài Nam Phi, nhưng WHO nhận định, biến thể này có thể tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Áo và Zambia. 

Ngày 7-1, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết, 1,5 triệu liều vaccine trên do Học viện Serum (SII) của Ấn Độ sản xuất theo giấy phép nhượng quyền từ liên doanh phát triển vaccine ngừa Covid-19 giữa Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca.

Bộ trưởng Mkhize nêu rõ, lô vaccine mà nước này tiếp nhận trong tháng 1 và tháng 2-2021 sẽ được ưu tiên tiêm phòng cho 1,25 triệu nhân viên y tế tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc. Theo số liệu mới nhất, hiện hơn 40 nghìn nhân viên y tế tuyến đầu của nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến đặc điểm của vaccine ngừa Covid-19 do SII sản xuất, ông Mkhize cho biết, đây là loại vaccine không đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ âm cực sâu như các sản phẩm của Pfizer-BioNTech và Moderna, do đó sẽ phù hợp với những quốc gia đang phát triển không có điều kiện mua sắm những thiết bị cấp đông đắt đỏ.

Nam Phi đang trong làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc Covid-19 mới trong ngày vượt xa làn sóng dịch thứ nhất. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận, hiện đã có 1,5 triệu người dân nước này được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19, đồng thời cho biết hơn 1.000 phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn Anh sẽ tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 15-1. Tại Anh, 223 bệnh viện, bảy trung tâm tiêm chủng lớn và 200 hiệu thuốc cũng sẽ cung cấp dịch vụ tiêm phòng Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương đẩy mạnh việc mua vaccine phòng bệnh. Tây Ban Nha thông báo sẽ nhận 600 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Moderna trong sáu tuần tới theo hợp đồng của Liên hiệp châu Âu (EU).

Tương tự, Hungary thông báo có thể sẽ nhận lô vaccine phòng bệnh đầu tiên của hãng Moderna vào tuần tới.  Theo thỏa thuận mua vaccine với EU, Hungary sẽ nhận 1,7 triệu liều vaccine, giúp quốc gia Trung Âu này có thể tiêm chủng cho 872 nghìn người dân. 

Còn Ireland cho biết đã nhận được các cam kết phân phối 470 nghìn liều vaccine cho nước này trước cuối tháng 3. Ireland đã xác nhận đơn đặt hàng mua 360 nghìn liều vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế,110 nghìn liều vaccine của hãng Moderna. Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly hy vọng nước này sẽ có đủ lượng vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh) và có thể là của hãng Johnson&Johnson (Mỹ) trong quý 1-2021. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 8-1 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 88.458.636 ca mắc, 1.905.209 ca tử vong

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 22.111.198 ca mắc, 373.799 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.414.044 ca mắc, 150.606 ca tử vong
3. Brazil: 7.961.673 ca mắc, 200.498 ca tử vong
4. Nga: 3.332.142 ca mắc, 60.457 ca tử vong
5. Anh: 2.889.419 ca mắc, 78.508 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 797.723 ca mắc, 23.520 ca tử vong 
2. Philippines: 482.083 ca mắc, 9.356 ca tử vong
3. Myanmar: 128.772 ca mắc, 2.799 ca tử vong 
4. Malaysia: 128.465 ca mắc, 521 ca tử vong 
5. Singapore: 58.813 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 9.636 ca mắc, 67 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.509 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 385 ca mắc
9. Brunei: 173 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 25.241.040 ca mắc, 575.505 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 25.264.536 ca mắc, 540.677 ca tử vong 
3. Châu Á: 21.229.409 ca mắc, 345.203 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 13.708.902 ca mắc, 372.094 ca tử vong
5. Châu Phi: 2.965.179 ca mắc, 70.649 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 48.849 ca mắc, 1.066 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba