Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới tìm giải pháp ứng phó Covid-19

NDO -

Trong ngày đầu của Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới năm 2020, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tập trung thảo luận về đại dịch Covid-19. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, thay vì được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Berlin, Đức, hội nghị năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi thông điệp tới hội nghị. (Ảnh: Worldhealthsummit)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi thông điệp tới hội nghị. (Ảnh: Worldhealthsummit)

Theo kế hoạch, từ ngày 25 đến 27-10, khoảng 300 đại biểu là các chính trị gia và nhà khoa học sẽ thảo luận về các biện pháp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, không ai được an toàn trước Covid-19 cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Ông hối thúc các nước hợp tác để ứng phó đại dịch một cách hiệu quả hơn thay vì xu hướng một số quốc gia dữ trự số lượng lớn vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong nước.

Tổng thống Đức cũng kêu gọi Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch, tham gia sáng kiến COVAX nhằm giúp đỡ phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghenreyesus bày tỏ ủng hộ thông điệp của ông Steinmeier: "Tôi hy vọng thế giới sẽ lắng nghe lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu để chấm dứt đại dịch Covid-19 của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier".

Ông Ghenreyesus cho rằng, cách duy nhất để khôi phục sau đại dịch là bảo đảm các quốc gia nghèo hơn được tiếp cận vaccine một cách công bằng. 

Trong thông điệp dưới hình thức video gửi tới hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Trong vòng bảy tháng kể từ khi đại dịch được công bố, hơn một triệu người đã tử vong và có hàng chục triệu người mắc Covid-19. Số ca bệnh vẫn tăng, các đợt bùng phát và làn sóng lây nhiễm mới đang xảy ra tại những khu vực từng kiểm soát được sự lây lan trong nhiều tháng.

Tác động gián tiếp của đại dịch đang tàn phá các xã hội và nền kinh tế. Cho đến nay, việc hạn chế và cấm đi lại đã dẫn đến làm mất đi 500 triệu việc làm và gây thiệt hại khoảng 375 tỷ USD mỗi tháng đối với nền kinh tế toàn cầu. “Covid-19 đang khiến chúng ta đi chệch hướng hơn nữa trong quá trình đạt được tầm nhìn và cam kết của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững", ông Guterres nói.

Cũng trong thông điệp gửi đi, ông Guterres đã rút ra bốn bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Thứ nhất, chúng ta đã không chuẩn bị cho đại dịch này. Thứ hai, chúng ta không bất lực, nếu chúng ta làm theo hướng dẫn khoa học, thể hiện sự đoàn kết và thống nhất thì chúng ta có thể vượt qua đại dịch. Thứ ba, chúng ta cần có sự đoàn kết toàn cầu trên mỗi bước đi vượt qua dịch bệnh. Thứ tư, tin giả và thông tin sai lệch là đồng minh có thể gây chết người của virus SARS-CoV-2.

Trong thông điệp gửi đến hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, sự bùng phát mạnh mẽ của Covid-19 trong những tuần qua trên toàn cầu và đặc biệt là tại châu Âu phản ánh bức tranh dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn sau mỗi ngày. Bà muốn tập trung vào ba vấn đề sẽ trở nên thiết yếu trong những tháng tới, đó là cần phải phối hợp tại khu vực biên giới, rút kinh nghiệm về nguồn cung thiết bị, hỗ trợ người dân và nền kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới là một trong những hội nghị quan trọng mang tính chiến lược của thế giới đối với sức khỏe toàn cầu. Diễn đàn được thành lập năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charité Berlin và được Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch EC von der Leyen và Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus bảo trợ. Hội nghị năm 2019 diễn ra tại Berlin thu hút hơn 2.500 đại biểu và 300 diễn giả đến từ 100 quốc gia trên thế giới. 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường